Đề thi Khoa học tự nhiên không có "bẫy"

13:43 | 23/06/2017;
Theo các giáo viên, đề thi Khoa học tự nhiên năm nay vừa hay, vừa nhiều câu ứng dụng thực tiễn. Tính phân loại năng lực học sinh của đề cũng thể hiện rõ.

Môn Lý: Dễ hơn đề minh họa

Thầy Trần Đức, giáo viên luyện thi trực tuyến môn Vật lý, cho rằng, đề thi đã thể hiện rõ tính phân loại, độ khó vừa phải và là cơ hội cho nhiều thí sinh “ăn” điểm cao.

“Để đạt mức 9 điểm thí sinh cần nắm chắc kiến thức, có kĩ năng xử lí nhanh chứ không cần học những dạng bài quá khó. Việc phân bổ số câu theo chương có sự khác biệt với đề tham khảo” - theo thầy Đức.

Một nữ sinh tại điểm thi THPT Trần Phú, Hà Nội tươi cười sau buổi thi sáng nay vì làm được bài. Ảnh: D.H

Số câu rơi nhiều vào chương Dao động cơ, Điện xoay chiều, Sóng ánh sáng. Số câu lí thuyết nhiều nhưng nằm trong sách giáo khoa (SGK), gần như không có “bẫy”. Học sinh chỉ cần học đều, học kĩ thì có thể dễ dàng lấy hết điểm lí thuyết.

Mặt khác, nhiều bài tập lặp lại dạng đã ra trong đề tham khảo. Đề bài ít sự mới lạ, hầu hết là những dạng đã được ôn luyện nhiều.

Theo thầy Trần Đức, mỗi mã đề thi đều có 1-2 câu hay và lạ. Một số câu phân loại để lấy điểm 9, 10 là câu có tính ứng dụng thực tiễn như câu 25 mã đề 206 (học sinh phải liên hệ kiến thức lớp 10 về lực hướng tâm) hay câu 36 của đề 206 (thực tiễn về nhà máy điện hạt nhân, hơi dài và có khả năng gây rối cho học sinh)…

“Không khó để học sinh đạt điểm 7, 8. Để đạt được điểm cao (9,5-10) yêu cầu thí sinh cũng phải có thêm tư duy tổng hợp. Nhìn chung đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo và đề các năm trước” - thầy Đức cho biết.

Môn Hóa, Sinh: Dễ lấy điểm nếu nắm chắc lý thuyết

Theo thầy Nguyễn Ngọc Anh, giáo viên luyện thi Hóa học trực tuyến, so với Vật lý, hai môn Hóa và Sinh khá nặng về lý thuyết, trong đó môn Hóa có đến 60% là câu hỏi lý thuyết.

“Mức độ lý thuyết chiếm hơn 60% tổng số lượng câu hỏi và dễ lấy điểm. Các câu hỏi lý thuyết nằm trong chương trinh SGK nên các em cần nắm chắc kiến thức SGK. Một số câu hỏi gây khó học sinh vì phối hợp nhiều loại nhóm chất khác nhau trong 1 câu hỏi, dễ gây nhầm lẫn cho học sinh” - thầy Ngọc Anh nhận định.

Tuy nhiên, nam giáo viên cho rằng, nếu thí sinh học và hiểu đúng bản chất và có sự logic thì hoàn toàn xử lý dễ dàng và có khả năng đạt 9 điểm.

Với môn Sinh, kiến thức phủ nội dung chương trình và phân bổ tương đối đồng đều giữa các chuyên đề, có sự sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó ở mức tương đối.

“Cách phân bổ và sắp xếp như vậy cũng tạo tâm lí thoải mái và thuận lợi cho thí sinh làm bài. Phạm vi và độ khó của đề nhìn chung phù hợp với đề minh họa” - thầy Ngọc Anh nói.

Ngoài ra, ở phần lớn mã đề, 4-5 câu cuối cùng thuộc vào nhóm câu hỏi khó, dùng để phân loại thí sinh có dạng thức tương tự như đề thi tham khảo mà Bộ đã công bố. Các câu hỏi khó vẫn rơi vào các chuyên đề Quy luật di truyền, bài toán phả hệ và di truyền quần thể như thông lệ.

Đề thi về cơ bản đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa các mã đề khi người ra đề đã khéo léo sử dụng một nhóm nội dung kiến thức để xây dựng những câu hỏi có độ khó tương đương.

Chiều nay, thí sinh sẽ thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn