Đề thi toán, văn nên có câu hỏi tự luận ngắn

17:06 | 13/09/2016;
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiệp hội các trường ĐH, CĐ đã “hiến kế” với Bộ GD&ĐT rằng, đề thi các môn Toán, Ngữ văn vẫn cần một câu hỏi tự luận ngắn chứ không nên thi trắc nghiệm hoàn toàn.

Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều nay 13/9 liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia 2017, trái với phản đối của Hội Toán học, phía Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng đã đưa ra nhiều lý lẽ cho rằng, hoàn toàn phù hợp khi áp dụng thi trắc nghiệm với môn Toán, thậm chí với cả Ngữ văn, Lịch sử.

“Có nhiều ý kiến trái chiều về việc thi trắc nghiệm môn Toán theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, đơn cử như ý kiến của Hội Toán học. Nhưng tôi e rằng Hội đã hơi nhầm lẫn mục tiêu của kỳ thi. Chúng ta có thi THPT Quốc gia để lựa chọn nhân tài không? Tôi nghĩ không phải!” - GS Lâm Quang Thiệp đặt vấn đề.

Theo ông, đây là thi THPT Quốc gia và mục tiêu chính là sàng lọc để phân loại thí sinh theo hướng vào được đại học hay đơn thuần chỉ tốt nghiệp THPT. “Nếu tuyển chọn nhân tài thì tuyệt đối không nên dùng trắc nghiệm, như thi Olympic quốc tế. Mục tiêu của kỳ thi THPT Quốc gia chỉ là để phân loại. Trong quá trình học đại học, ta vẫn còn nhiều cách để tiếp tục chọn nhân tài” - ông nói.

 Các chuyên gia thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ trao đổi với báo chí về kỳ thi THPT Quốc gia 2017 chiều 13/9. Ảnh: D.H

Cũng theo GS Lâm Quang Thiệp, với hai môn Ngữ văn và Lịch sử, hoàn toàn có thể thi trắc nghiệm. Ông phân tích, nếu để ý, có thể thấy lâu nay dù thi theo hình thức tự luận nhưng khi chấm thi hai môn này vẫn phải tính điểm theo barem. Đây thực chất là phương pháp chấm thi kiểu trắc nghiệm. Như vậy, vô tình biến một đề thi tự luận hay thành đề thi trắc nghiệm tồi, điều này không hề tốt cho một kỳ thi chuẩn hóa, quy mô lớn như thi THPT Quốc gia.

Ủng hộ phương án thi trắc nghiệm nhưng trước đó Hiệp hội đã “hiến kế” với Bộ GD&ĐT rằng, đề thi các môn Toán, Ngữ văn vẫn cần một câu hỏi tự luận ngắn chứ không nên thi trắc nghiệm hoàn toàn. Tuy nhiên, đề xuất này không được hồi đáp bởi theo phương án của Bộ, với môn Toán, thí sinh thi 100% trắc nghiệm.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Phương Nga, chuyên gia khảo thí giáo dục, học sinh hay giáo viên không nên quá hoang mang với cách thức đổi mới thi từ tự luận sang trắc nghiệm. Bởi khảo thí thế giới đã khẳng định, dạng thức thi nào cũng không ảnh hưởng đến phương thức dạy và học vì đề thi bắt buộc xây dựng dựa vào mục đích thi. Thầy cô vì thế cứ dạy đúng, không cắt xén chương trình. Điều mà thí sinh cần là một kỳ thi công bằng, khách quan.

Chuyên gia Nguyễn Thị Phương Nga cũng khuyến nghị, Bộ GD&ĐT sau khi công bố đề thi minh họa, phải sớm công bố tỉ lệ độ khó của đề thi. “Cần xác định rõ trong một đề thi cần bao nhiêu phần trăm câu hỏi dễ, trung bình, khó. Việc chia tỉ lệ cần đảm bảo hài hòa để học sinh có học lực trung bình vẫn có thể đỗ tốt nghiệp” - bà Phương Nga đề nghị.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn