Nhận được tin có thai phụ đau bụng bất thường trong giai đoạn mang thai, chị Triệu Thị Hiền, y tế thôn bản kiêm cô đỡ thôn bản thôn Cốc Lào (xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) bỏ dở luống đất đang cuốc, nhanh chóng đến nhà thai phụ.
Sau 20 phút men theo con đường dốc lên đến đỉnh đồi thì chị Hiền cũng tới nơi. Mồ hôi ướt đầm gương mặt của chị dù trời đang se se lạnh.
"Thai phụ này đang có mang ở tháng thứ 7, chồng đi làm ăn xa, ở nhà có một mình nên ngay từ đầu thai kỳ, tôi đã dặn rất kỹ rằng, có gì bất thường phải gọi tôi ngay để còn được xử lý kịp thời.
Với tất cả các trường hợp mang thai khác trong thôn cũng thế. Chỉ cần họ gọi, dù đang bận việc hay đêm khuya, mưa gió, tôi cũng đi ngay, chỉ lo chị em gặp nguy hiểm. Tôi làm vì lo cho sức khỏe chị em chứ công việc đi lại vất vả, đêm hôm, phụ cấp chưa đến 700.000 đồng/tháng, chỉ bằng 2 ngày công tôi đi làm thuê", chị Hiền cho hay.
Cũng giống chị Hiền, chị Triệu Mùi Xiết (ở thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) kiên trì với công việc cô đỡ thôn bản chỉ vì thương nhiều chị em có điều kiện sống còn quá khó khăn.
Khuổi Ún là nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nhiều chị em vẫn còn sinh con tại nhà, phần lớn là do quyết định sinh con tại nhà hay tại cơ sở y tế phụ thuộc vào người chồng và bố mẹ chồng. Công việc vất vả, phụ cấp ít ỏi nên cô đỡ thôn bản trước đã nghỉ việc.
Hai năm nay, chị Xiết tiếp nhận công việc y tế thôn bản và kiêm nhiệm vụ làm cô đỡ thôn bản. "Có trường hợp tôi phải đi thuyết phục nhiều ngày liền để họ cho con dâu đến cơ sở y tế sinh con. Sản phụ cũng rất muốn đi nhưng không dám cãi lời cha mẹ chồng nên chỉ biết khóc và gọi cho tôi.
Cuối cùng, phải có sự vào cuộc của cả cán bộ thôn, xã, họ mới chịu đồng ý. Ở đây, người dân sống rải rác, mỗi hộ một quả đồi, đường thì bé, chủ yếu là đường đất, rất khó đi. Mới đầu năm, tôi bị ngã xe khi đi xuống kiểm tra cho một thai phụ lúc nửa đêm.
Tôi bị đau chân 1 tháng mới khỏi. Nhiều khi chồng tôi cũng bảo nghỉ làm việc khác nhưng mình nghỉ thì chẳng còn ai làm cả. Tôi mong được tăng thêm một chút phụ cấp, ít ra cũng đủ tiền xăng xe, có thể trang trải thêm cho cuộc sống", chị Xiết chia sẻ.
Tỉnh Bắc Kạn có 40 cô đỡ thôn bản, trong đó một nửa là kiêm nhiệm. Theo ông Tạc Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, cô đỡ thôn bản có vai trò rất quan trọng, được ví như cánh tay nối dài của ngành Y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
"Phụ cấp của cô đỡ thôn bản phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí của địa phương. Nếu địa phương cắt kinh phí thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì đội ngũ này.
Để duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ thôn bản, hằng năm, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đều tổ chức các lớp đào tạo lại nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức, nâng cao chất lượng của đội ngũ cô đỡ thôn bản, hỗ trợ cô đỡ về chuyên môn, kỹ thuật, giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình", ông Nam cho hay.
Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tính đến tháng 9/2024, toàn quốc có hơn 1.400 cô đỡ thôn bản còn hoạt động. Trong khi đó, kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy, tại 18 tỉnh miền núi khó khăn có tới 4.346 thôn, bản cần có cô đỡ thôn bản.
Từ cuối năm 2019, nhiều địa phương không bố trí được kinh phí hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản. Việc phụ cấp ít, thậm chí không có phụ cấp, không chỉ khiến cho hơn một nửa trong tổng số 3.077 cô đỡ thôn bản đã được đào tạo ngừng hoạt động mà còn ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của số cô đỡ thôn bản còn lại.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, để khắc phục tình trạng cô đỡ thôn bản không có chế độ phụ cấp, Bộ Y tế đang tiếp tục trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng chung sức với Bộ Y tế trong việc duy trì, phát triển mạng lưới cô đỡ thôn, bản.
"Các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cần xác định vai trò, vị trí của cô đỡ thôn bản. Bên cạnh đó, cần quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng và đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn bản.
Không chỉ vậy, tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong bản, làng, cộng đồng... nhằm huy động nguồn lực, tạo điều kiện vật chất và tinh thần động viên, phát huy vai trò của cô đỡ thôn bản", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn