Với người Mường Hòa Bình, chiêng giữ vị trí đặc biệt linh thiêng. Chiêng có mặt mọi lúc, mọi nơi, trong lễ nghi, tín ngưỡng và suốt cuộc đời của mỗi người. Hội nào thiếu tiếng chiêng, hội đó không to. Tết nào vắng tiếng chiêng, Tết đấy không sung túc. Ngày vui đôi lứa mà không có cồng chiêng, ngày cưới mất vui. Người về với tổ tiên, ông bà có chiêng đưa tiễn...
Một đội cồng có 13 người. Theo chị Nguyễn Thị Định, Tổ trưởng Cồng chiêng phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, các thành viên của tổ văn nghệ đều là phụ nữ. Mỗi chiếc chiêng do một phụ nữ đảm nhận. Chiêng được đánh dấu từ 1 đến 13. Trong đó có một chiếc chiêng chủ. Chỉ khi nào chiêng chủ này đánh tiếng nghỉ thì cả đội cồng mới được nghỉ. "Khi đánh chiêng, tay trai nâng chiêng, tay phải cầm dùi. Yêu cầu khi đánh, dùi đánh phải vuông góc với núm chiêng. Nếu đánh lệch, chiêng lên tiếng không đều", chị Định cho biết.
Tiếng chiêng khi đánh lên vang xa những 5km. Ngày trước, mỗi khi bản có việc gì, tiếng chiêng được cất lên thay cho việc thông báo. Từ khi hệ thống loa truyền thanh được lắp đặt ở các xã, chiêng Mường bỗng mất đi một vai trò báo tin. Giờ đây, cồng chiêng vẫn được bà con người Mường sử dụng trong ngày hội, hè và biểu diễn khi đón khách quý ở các tỉnh khác về thăm Hòa Bình.
Người Mường có 24 lễ hội sử dụng cồng chiêng như: Lễ hội mừng nhà mới, Lễ thành hôn, Lễ khai hạ (lễ hội xuống đồng), Lễ hội kéo si, Lễ bắt cá Lạc Sơn.... Âm nhạc của cồng chiêng Mường thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng. Người dân Mường không phải là những chuyên gia âm nhạc, nhưng đã sáng tạo ra nhiều bài chiêng mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình.
Một bộ chiêng Mường có 13 chiếc. Người chơi chiêng đa phần là phụ nữ
Chiêng đã không chỉ giản đơn là một loại nhạc cụ dân tộc, mà ẩn chứa sau mỗi chiếc chiêng, bộ chiêng, bài chiêng còn là một câu chuyện văn hóa, tâm linh chan chứa niềm tự hào, tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi người con xứ Mường.
Một thực trạng đáng buồn là việc truyền dậy đánh cồng chiêng ở Hòa Bình đang có dấu hiệu mai một, vì thế hệ trẻ ít quan tâm tới đời sống văn hóa dân tộc. Chị Định cho biết thêm: "Người học đánh chiêng được truyền dạy như truyền miệng trong văn hóa dân gian vậy. Người học cứ theo đó mà cảm nhận và đánh theo cách dạy của người thầy. Thường thì để một người học được hết 40 bài cồng chiêng của đất Mường cũng phải mất nhiều năm. Chị em trong đội văn nghệ phải tâm đầu ý hợp mới tạo thành một đội cồng chiêng".
Trong cuộc sống hôm nay, cộng đồng người Mường Hòa Bình - chủ nhân của chiêng Mường đang tiếp tục bảo vệ, kế thừa, phát triển, để tiếng chiêng Mường vang xa, lan tỏa, trở thành một trong những biểu tượng văn hóa phi vật thể đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình. Và để bảo tồn, phát huy tiếng chiêng Mường thì cần sự chung tay, vào cuộc của nhiều cấp ngành và cả cộng đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn