Đề Văn thi vào 10 Hà Nội: Dễ làm nhưng khó phân loại học sinh

12:12 | 09/06/2017;
Đó là cảm nhận của các học sinh Hà Nội sau buổi thi Ngữ văn vào lớp 10 sáng nay 9/6. Theo các em, đề vừa sức, không quá khó “nhằn” nhưng câu hỏi không có gì đặc sắc và tạo sự hào hứng khi làm bài.
 Môn thi đầu tiên tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội khiến nhiều thí sinh thở phào.

Thí sinh thở phào

Ra khỏi phòng thi khá sớm, Đỗ Hoàng Yến (điểm thi THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Hội) thở phào sau môn thi Ngữ văn. Nữ sinh cho hay em làm bài khá tốt bởi đề không quá khó, các câu hỏi vừa sức và đều nằm trong chương trình ôn tập.

Đề Ngữ văn thi vào lớp 10 sáng 9/6 tại Hà Nội. Ảnh: D.H 

“Tất cả các câu hỏi đều không quá hóc búa hay đánh đố, em làm khá suôn sẻ và không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ đáp án. Em nghĩ mình làm được khoảng 8 điểm”, em Đỗ Hoàng Yến cho biết.

Đây cũng là cảm nhận của Nguyễn Thu Ngân tại điểm thi này khi đề thi không khiến em bối rối. Mức độ khó vừa phải, câu hỏi đều nằm gọn trong chương trình học. Tuy nhiên do yếu tố tâm lý nên Ngân làm bài không được tốt lắm, dự đoán chỉ được khoảng 7 – 7,5 điểm.

Tại điểm thi THPT Việt Đức, nữ sinh Hồ Thị Bích Phương cho biết không quá bất ngờ về cấu trúc đề thi vì khá giống mọi năm. Câu hỏi đi theo kiến thức cơ bản, không đánh đố học sinh hay hỏi xoáy khiến cho học sinh lạc đề.

 Học sinh dự thi tại THPT Quang Trung sáng nay. Ảnh: D.H

“Chỉ cần đọc kỹ một tí là có thể thấy rõ được vấn đề yêu cầu. Đặc biệt phần nghị luận xã hội khá là dễ khi nói về tình yêu thương con người” – theo Phương.

Cũng tại điểm thi này, thí sinh Nguyễn Minh Hà băn khoăn khi bài làm chưa được như ý muốn. Đề không khó nhưng theo Hà muốn làm để lấy điểm cao thì không dễ. “Em thích nhất câu hỏi về dòng cảm xúc suy nghĩ của nhân vật ông lão được thể hiện qua một…. khá là hay và mới mẻ. Câu này ngoài kỹ năng đọc hiểu văn bản người viết phải biết được bản chất, kết hợp nhiều kỹ năng như phân tích, hiểu và nắm chắc kiến thức trên lớp” – Hà chia sẻ.

Theo nữ sinh này, các thầy cô trong phòng thi không tạo tâm lý áp lực cho học sinh nên các em làm bài khá thoải mái. Nhưng vẫn tuân thủ và thực hiện đúng nghiêm túc.

Đề khó phân loại học sinh

Nhận định về đề thi, cô Hoàng Thị Huyền – giáo viên luyện thi Ngữ trực tuyến cho biết, đề thi không khó, không có câu hỏi đánh đố nhưng khó phân loại học sinh. Với đề này các em không khó để có 7 điểm.

Theo cô Huyền, cấu trúc đề không khác nhiều so với cấu trúc đề thi mọi năm, gồm 2 phần. Phần I: 4 điểm, phần II:  6 điểm. Mỗi phần đều có sự tích hợp giữa kiến thức văn bản văn học, tiếng Việt và Tập Làm Văn

Phần I, đề kiểm tra học sinh về kiến thức của văn bản “Nói với con”. Đây là những kiến thức cơ bản và học sinh trung bình có thể làm tốt. Bên cạnh đó đề tích hợp một câu nghị luận xã hội, yêu cầu bàn về vấn đề: Niềm hạnh phúc khi được sống trong sự yêu thương.

“Đây là vấn đề rất quen thuộc, học sinh dễ dàng lấy ví dụ trong đời sống và trong các văn bản đã học, đặc biệt là các văn bản lớp ở chương trình THCS” – cô Huyền nhận định.

Ở phần II, nữ giáo viên cho rằng “Làng” là một tác phẩm quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 9 nên đa phần học sinh có sự chuẩn bị kỹ. Nội dung Tiếng Việt và Tập làm văn được tích hợp hài hòa trong câu hỏi cuối cùng. Kiến thức Tiếng Việt kiểm tra đó là kiểu câu phân loại theo mục đích nói, câu ghép.

“Đề yêu cầu học sinh viết đoạn văn quy nạp. Để làm tốt phần viết đoạn văn này, học sinh cần có kiến thức chắc chắn về văn bản - Làng, có kĩ năng viết đoạn văn tốt” – nữ giáo viên nhận định.

Năm học này, Hà Nội có gần 83.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tuy nhiên, chỉ có khoảng 70% có cơ hội vào trường THPT công lập, 30% học sinh còn lại sẽ phải vào học tại các trường tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.

Đó cũng là lý do, kỳ thi vào lớp 10 được đánh giá là kỳ thi căng thẳng hơn cả thi vào đại học.

Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã điều động 6.500 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi. Toàn thành phố Hà Nội có 153 địa điểm thi với hơn 3.000 phòng thi.



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn