Đề văn về Chi Pu không phải đề thi mở

17:35 | 12/12/2017;
Đề gắn vào câu chuyện, nhân vật cụ thể và yêu cầu học sinh hóa thân vào nhân vật đó dù muốn hay không, đó không phải là đề thi mở. Thầy Vũ Khắc Ngọc- giáo viên ở Hà Nội đã có những phân tích đáng suy nẫm về đề thi Ngữ văn về Chi Pu đang gây tranh cãi.

Không phải là đề thi mở

Trao đổi với Báo Phữ nữ Việt Nam ngày 12/12, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - một giáo viên có nhiều tâm huyết với giáo dục ở Hà Nội cho biết, nếu đọc kỹ đề Ngữ văn này thì thấy không ổn, bởi hoàn toàn không phải là đề thi mở.

Theo thầy Ngọc, đề thi đã gắn vào một câu chuyện, nhân vật cụ thể là Chi Pu. Khi đề yêu cầu học sinh hóa thân vào Chi Pu để viết thì học sinh dù muốn hay không vẫn phải hóa thân vào để kể lại câu chuyện ấy.

“Có thể rất nhiều bạn không hiểu hết về chuyện của Chi Pu. Nếu đọc kỹ, để có thể trả lời được câu hỏi, các em phải có thông tin về Chi Pu, phải xem MV “Từ hôm nay” rồi thì mới đánh giá được đúng năng lực của Chi Pu đến đâu, ý kiến phản hồi của người khác về Chi Pu là đúng hay sai.

Nếu không phân biệt được các ý kiến phản biện của ca sĩ khác về Chi Pu là đúng hay là sai thì rõ ràng quan điểm, phản biện của các em sẽ không chắc, thậm chí sẽ có phần méo mó. Vì thế tôi cho rằng, đề này không phải là đề mở, bởi không cho các em quyền lựa chọn, áp đặt các em phải biết thông tin về Chi Pu, xem MV để có thể đánh giá được”- thầy Ngọc phân tích.

Chi Pu gây tranh cãi khi vào đề Ngữ văn lớp 10 ở trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ 

Một điều mà thầy Vũ Khắc Ngọc cho là khá khiên cưỡng ở chỗ học sinh lớp 10 làm bài thi mới 16 tuổi, con Chi Pu đã ở lứa tuổi 23 - 24. Nói về diễn biến tâm lý thì sẽ khác hoàn toàn giữa một học sinh và một sinh viên, chưa kể Chi Pu là người đã đi làm, có trải nghiệm, thậm chí là người nổi tiếng. Yêu cầu các em hóa thân vào nhân vật này để phát biểu suy nghĩ sẽ có phần không chính xác.

Thầy Ngọc cho biết, lẽ ra, đây sẽ là đề mở nếu như đề yêu cầu học sinh chia sẻ suy nghĩ của bản thân về câu chuyện khát khao muốn khẳng định mình của người trẻ bất chấp định kiến, sự phản đối của xã hội. Các em vừa qua lứa tuổi dậy thì, thường có tâm lý phản kháng lại định kiến truyền thống, muốn khẳng định cái tôi của mình. Thế nên đặt vấn đề theo cách này sẽ rất thực tế, và đảm bảo đúng là một đề thi mở.

“Các em có thể nhập vai để kể câu chuyện của chính mình hay những người xung quanh mình. Thậm chí các em có thể lấy câu chuyện của Chi Pu, là câu chuyện của mong muốn khẳng định cái tôi, thể hiện khát khao của người trẻ. Nếu ra đề theo hướng đó thì theo tôi sẽ là một đề văn mở thật sự và mang tính định hướng”- thầy Ngọc nói.

Hiểu đúng về đề thi mở 

Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, giáo viên đang có tâm lý muốn "kích thích" học sinh, khiến học sinh hào hứng, thích thú khi đưa ra đề thi gắn với showbiz như Chi Pu, Sơn Tùng MTP... "Đúng là học sinh dễ bị thu hút thông tin, nhưng rõ ràng đó là những thông tin tầm thường, không mang tính giáo dục. Nó cũng giống như việc hàng ngày chúng ta quan tâm nhiều đến những thông tin như giết người, cướp của, hiếp dâm.. Thông tin đó dễ bị thu hút bởi yếu tố bản tính của con người.

Thế nhưng, giáo dục thì phải khác! Giáo dục phải có tính định hướng. Không phải chỉ có thông tin xấu mới có sức thu hút mà thông tin tốt cũng đủ để thu hút. Hàng ngày có rất nhiều chuyện tử tế xung quanh, nếu giáo viên biết cách đặt vấn đề tốt thì học sinh vẫn thích thú" - thầy Ngọc nói.

Một đề thi mở, theo thầy Ngọc là giáo viên khi ra đề phải tính toán thận trọng. Đề mở là đề để cho học sinh có nhiều lựa chọn về nhân vật, chủ đề và quan điểm. Thứ hai, khi ra đề, giáo viên phải tính toán được là với lứa tuổi, tâm lý, các em có thể viết về chủ đề gì một cách tích cực, phù hợp chứ không phải khơi gợi điều gì đó xấu để HS lao vào “ném đá”.

Thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ quan điểm đáng suy nghĩ về đề thi mở.

Giáo viên phải là “bộ lọc” thông tin cho học sinh

Nhiều năm làm trong ngành giáo dục, thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ rằng, thực tiễn diễn ra có nhiều câu chuyện rất xúc động có thể đưa vào trong đề thi. Môi trường của các em là môi trường thông tin từ internet, mạng xã hội. Nhà trường - với vai trò là nhà công tác giáo dục - thì phải làm tốt vai trò định hướng. Bản thân thầy cô phải là bộ lọc thông tin cho các em để biết được thông tin nào đáng quan tâm, bàn luận. Vì giáo dục là phải khơi gợi cho học sinh cảm xúc tốt đẹp.

“Hôm qua tôi xem bức ảnh hai cụ già, cụ bà ôm sau lưng ông và người con chảy nước mắt vì hình ảnh ấy. Bức ảnh sau đó lan tỏa rất nhanh. Tại sao không đưa hình ảnh ấy vào đề văn? Văn học là nhân học, học văn là học làm người. Có rất nhiều câu chuyện khác để đưa vào thay vì những câu chuyện có phần nhảm nhí, tẹp nhẹp và tầm thường ở showbiz”- thầy Ngọc chia sẻ.

Mọi người thường nói giáo dục Việt Nam thiếu thực tiễn, kinh viện nhiều. Nhưng không có nghĩa là đưa thực tiễn vào một cách tùy tiện. Nếu nghiên cứu những đề thi như đề thi PISA chẳng hạn, sẽ thấy người ra đề đưa thực tiễn vào rất hay.

Qua đó, đề thi không chỉ kiểm tra năng lực của học sinh mà còn cung cấp thông tin để các em biết vấn đề mình học gắn với thực tiễn như thế nào, định hướng giáo dục ra sao. Từ đó giúp các em hiểu những giá trị mà mình được học.

“Đã đến lúc cơ quan quản lý xem xét lại vấn đề này. Có thể đưa vào nội dung tập huấn để định hướng cho giáo viên, hoặc có thể cần có những quy chuẩn nhất định trong việc đưa nội dung thực tiễn vào đề thi để giáo viên căn cứ vào đó trong việc ra đề thi một cách chuẩn mực, đúng quy phạm”- thầy Ngọc đề xuất.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn