Chiều 24/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đây là dự án luật duy nhất được bàn thảo tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, đồng thời sẽ chính thức biểu quyết thông qua về các nội dung được sửa đổi.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, vấn đề về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (điều 30 dự thảo Luật) hiện vẫn có một số ý kiến trái chiều.
Theo đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc có nên tiếp tục duy trì hay không biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình do hiệu quả cai nghiện thấp. Trong khi đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị duy trì biện pháp này và bổ sung quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tạo điều kiện cho tất cả những người nghiện ma túy lần đầu đều có thế được cai nghiện tự nguyện, nhất là người khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời thể hiện trách nhiệm và huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy.
Tuy vậy, báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách.
Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng:
Thứ nhất, quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 06 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại khoản 1 Điều 29) thì được hỗ trợ kinh phí.
Thứ hai, quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy.
Liên quan đến quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, theo bà Nguyễn Thúy Anh, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ đối tượng sẽ phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể. Đồng thời, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc xác định thời hạn quản lý căn cứ vào độ tuổi của người sử dụng trái phép chất ma túy.
Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy, trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đồng thời để quy định của Luật rõ ràng, bao quát đầy đủ, đảm bảo tính khả thi và tránh sự tùy nghi khi áp dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: bổ sung quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, trong đó xác định rõ các trường hợp phải xét nghiệm ma túy trong cơ thể; quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm mà không phân biệt độ tuổi; bổ sung quy định về trách nhiệm khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và trách nhiệm của gia đình, cơ quan, cộng đồng.
Dự kiến, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào chiều 30/3.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn