Đại biểu Quốc hội đề xuất ban hành chính sách riêng hỗ trợ nhóm yếu thế ảnh hưởng bởi Covid-19

19:16 | 21/10/2021;
Đó là đề xuất của ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 21/10. Theo ĐB Nguyễn Thanh Cầm, nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi… đang đối mặt với nhiều khó khăn và tổn thương trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Sáng 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2021 và việc phòng chống dịch Covid-19. Phát biểu về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thanh Cầm cho biết thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ về vấn đề gia đình, thanh niên, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Để hỗ trợ sát sao hơn cho nhóm đối tượng chịu tổn thương lớn từ đại dịch, ĐB Nguyễn Thanh Cầm đề nghị chính phủ nghiên cứu cân nhắc tách riêng giải pháp hỗ trợ cho các nhóm yếu thế trong xã hội. "Nếu không có giải pháp cho nhóm yếu thế thì sẽ làm cho khoảng cách giới lớn hơn và các mục tiêu về bình đẳng giới khó thực hiện được", ĐB Nguyễn Thanh Cầm nhìn nhận.

ĐB này phân tích, người già, người cao tuổi gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua do tỷ lệ mắc bệnh mãn tính, bệnh nền rất cao, chịu tác động lớn bởi dịch bệnh. Nhóm yếu thế còn có lao động di cư tự do trở về quê gặp khó khăn về thu nhập và chịu các tác động xã hội khác. Nhóm phụ nữ, trong đó có doanh do nữ làm chủ, hay doanh nghiệp có lao động nữ, đang gánh chịu nhiều rủi ro. 

"Phụ nữ không chỉ gánh vai trò xã hội mà còn gia tăng thời gian làm việc gia đình, chăm sóc người bệnh, chăm sóc con cái, chịu nhiều sức ép", ĐB Nguyễn Thanh Cầm nêu thực trạng.

Đặc biệt, với đối tượng trẻ em, ĐB Nguyễn Thanh Cầm đề nghị Chính phủ chỉ đạo đưa trẻ em sớm trở lại trường học nhanh và an toàn nhất. Để làm được điều này, theo bà phải có sự phối hợp liên thông giữa các ngành, các bộ để có giải pháp hiệu quả, đồng bộ.

Đề xuất ban hành chính sách riêng hỗ trợ nhóm yếu thế ảnh hưởng bởi Covid-19 - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm, đoàn Tiền Giang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phát biểu tại thảo luận tổ sáng 21/10. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến nhóm trẻ mồ côi do Covid-19, theo ĐB Nguyễn Thanh Cầm, bên cạnh hỗ trợ vật chất, Chính phủ cần quan tâm giải pháp lâu dài hơn để giúp các em vượt qua những sang chấn tâm lý trước mắt.

ĐB Nguyễn Thanh Cầm cũng đề cập đến sự tham gia của cơ quan đoàn thể trong phòng chống dịch thời gian qua, trên tinh thần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực tự cường, huy động nguồn lực xã hội.

"Thời gian qua, MTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội tham gia rất tích cực vào việc phòng chống dịch Covid-19. Hội LHPN Việt Nam đã kêu gọi các tầng lớp phụ nữ tiến hành các phong trào như: Phụ nữ cả nước vì miền Nam ruột thịt, Triệu phần qua san sẻ yêu thương, tham gia Bếp nghĩa tình phục vụ y bác sĩ, Siêu thị 0 đồng, giải cứu nông sản mùa dịch…, huy động hơn 100 tỷ đồng. Tôi đề nghị báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm những nỗ lực này của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội LHPN Việt Nam", ĐB Nguyễn Thanh Cầm đề xuất.

ĐB này cũng gửi gắm kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang đến Chính phủ, theo đó cần nghiên cứu ban hành chính sách trợ cấp cho cán bộ cấp xã, những người không chuyên trách đang tham gia chống dịch để kịp thời động viên, giúp họ yên tâm góp sức. "Đây là lực lượng xả thân vì cộng đồng, không ngại gian khó, mong Chính phủ sớm có chính sách ưu tiên quan tâm", ĐB Nguyễn Thanh Cầm cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn