Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, cho biết vấn đề bỏ biên chế với giáo viên, dù Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời chất vấn, nhưng cử tri ngành giáo dục liên tục liên lạc tới đại biểu Quốc hội và đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm, chủ trương của Chính phủ thế nào về nội dung này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: Về vấn đề xóa bỏ biên chế giáo viên thành hợp đồng, cử tri ngành giáo dục đang có nhiều ý kiến. Với đề xuất này, cơ quan đề xuất nhằm thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân.
Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề liên quan chủ trương, pháp luật, chính sách. Trong đó có Luật cán bộ công chức, viên chức; chính sách với viên chức, người lao động ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Ý chung là muốn công chức trở thành người chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền. Còn các bộ máy sự nghiệp với viên chức thực hiện chế độ hợp đồng.
“Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, mới chỉ là đề xuất của Bộ Giáo dục Đào tạo, chưa phải quyết định cuối cùng”. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xem các đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính; tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để trình Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ VI vào tháng 10/2017. Hội nghị này sẽ xem xét, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức theo tờ trình của Chính phủ.
Xem video giải trình của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về bỏ biên chế giáo viên, ngày 9/6:
Trước đó, ngày 9/6/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải trình trước Quốc hội; trong đó khẳng định: Chế độ công chức viên chức với giáo viên hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt là việc tuyển dụng chưa phù hợp với chuyên môn nên xảy ra tình trạng thừa - thiếu rất nhiều. Trong đó, tâm lý nhiều giáo viên vào biên chế không chủ động nâng cao trình độ, năng lực; không đáp ứng được nhu cầu, chất lượng không lên cao.
Đề xuất thí điểm chuyển dần chế độ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động, trước mắt là khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đây là yếu tố quyết định tới việc nâng cao chất lượng giáo dục và phải có lộ trình để thực hiện.