Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH Hà Nội, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sắp xếp kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho các cháu là con gia đình nghèo được đi nhà trẻ, mẫu giáo. Hiện nay còn nhiều cháu con của gia đình nghèo là công nhân, nông dân, người có công việc không ổn định, thậm chí không tìm được việc để làm thuê, làm mướn nên thu nhập rất thấp, thậm chí không có thu nhập ổn định. Trong các gia đình nghèo này, các cháu không được học ở các cơ sở nuôi dạy trẻ đạt tiêu chuẩn, có thể bị ăn đói, bị ngủ rét, thậm chí bị đối xử thô bạo, bị hành hung.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết: Các Chương trình mục tiêu quốc gia được xây dựng các nội dung rõ ràng và nguồn vốn đã được phân bổ phù hợp. Tuy nhiên, "không có việc nuôi con gì bằng nuôi con người, không có việc trồng cây gì bằng trồng người. Các công trình xây dựng là cần thiết, nhưng cần hơn và cần nhất vẫn là xây dựng cho được những thế hệ con người khỏe mạnh, sung sức để xây dựng đất nước phát triển lâu dài, bền vững" - đại biểu Anh Trí nói.
Theo đó, đại biểu đề nghị có kinh phí hỗ trợ cho các cháu dưới 6 tuổi, con hộ nghèo, hỗ trợ để các cháu được đi nhà trẻ, đi mẫu giáo. Mức hỗ trợ tùy vào mức độ nghèo của từng gia đình, địa phương và tùy vào mỗi chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời tính toán cách thức hỗ trợ cho hiệu quả như thông qua trường lớp hay qua gia đình để trẻ có được điều kiện tốt nhất có thể, trẻ được đến lớp, đến trường.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên thì Quốc hội quyết định phân bổ dự toán, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách trung ương cho địa phương theo tổng kinh phí, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ chi thường xuyên đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.
Đại biểu nhận định: "Điều này là rất thoáng về phân bổ vốn nhưng đại biểu còn lo ngại năng lực sử dụng vốn, đặc biệt ở cấp huyện để thực hiện các tiểu dự án của chương trình; đồng thời việc qua nhiều cấp, nhiều bước có mất nhiều thời gian"?
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/1/2024 cho đến khi có quy định mới. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi: Tại sao không quy định luôn để làm và để cán bộ khỏi phải ngần ngại, chờ đợi? Đặc biệt, Quốc hội kỳ vọng có một nghị quyết để tháo gỡ một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Còn đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, đề nghị tại điểm c khoản 1 Điều 4, viết lại để dễ thực hiện và giảm tải cho các địa phương khi nghị quyết được thông qua là triển khai được luôn và không phải ban hành thêm nghị quyết phân cấp, cụ thể: "Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm của từng Chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần cho các đơn vị cấp tỉnh, phân bổ tổng thể nguồn kinh phí cho cấp huyện, giao cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giao cho cấp xã, đơn vị cấp huyện".
Đồng quan điểm nội dung này, đại biểu Lò Thị Luyến, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, cho biết: Dự thảo nghị quyết quy định về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ, dự toán chi tiết đến từng dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện. Như vậy, trường hợp cần thiết là trường hợp nào, khi nào cần thiết và khi nào mà không cần thiết?
Đại biểu đề nghị nội dung này phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần vì việc điều chỉnh các dự án thành phần thường xuyên, nếu chờ Hội đồng nhân dân tỉnh họp thì ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và triển khai dự án, triển khai giải ngân vì quy trình, thủ tục trình từ chủ dự án lên huyện, lên tỉnh rất phức tạp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn