Chiều 18/6, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, liên quan một số loại hình kinh doanh mới phát sinh trong thực tiễn, thời gian qua, việc mua sắm qua Internet, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân. Thực tế đã xuất hiện loại hình tổ chức kinh doanh chuỗi nhà thuốc qua Internet nhưng các nội dung này chưa được Luật Dược 2016 điều chỉnh.
Vì vậy, dự thảo luật lần này bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng.
Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh thương mại điện tử; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Dự thảo luận cũng quy định "không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác".
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu, việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.
Tuy nhiên, cần quy định cụ thể các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc.
Ủy ban Xã hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn với việc bán thuốc trên môi trường điện tử, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố.
Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Xã hội thấy rằng, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trong nhiều quan hệ mua - bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán, do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước.
Giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cụ thể hơn nguyên tắc xác định "mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng tương tự" khi kê khai giá bán buôn dự kiến để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.
Ủy ban Xã hội đề nghị, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, gắn với cơ chế, điều kiện bảo đảm thực hiện hậu kiểm (cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực) để bảo đảm tính kịp thời, tính khả thi và hiệu quả, kiểm soát tốt chất lượng thuốc được lưu hành; trong mọi trường hợp, cần đặt sức khỏe của cộng đồng và lợi ích của nhân dân lên trên hết và trước hết.
Cũng theo đề nghị của Ủy ban xã hội, Chính phủ cần nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng hoặc những hành vi vi phạm về quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng nội dung được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội. Việc này nhằm bảo đảm quyền lợi và sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, dự Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược. Cụ thể, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu dược chất, vaccine, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam… mang thương hiệu quốc gia; hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mớ… ; hoạt động nghiên cứu tạo giống mới từ nguồn gene dược liệu trong nước và di thực, có giá trị kinh tế cao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn