Đề xuất chia nhỏ các kỳ nghỉ trong năm cho học sinh: Để địa phương được quyền quy định?

11:13 | 26/02/2020;
Như PNVN đã có bài phản ánh, nhiều phụ huynh đồng tình với đề xuất chia nhỏ các kỳ nghỉ trong năm cho học sinh của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Song, để hiện thực hóa - là quy định chung theo luật hay để các địa phương trực tiếp quyết định như để xuất của lãnh đạo UBND Hà Nội, vẫn là điều cần cân nhắc kỹ.

Tránh gây thêm áp lực cho giáo viên

Cô Lại Thị Mơ (giáo viên ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhìn nhận, tăng thời gian học vào mùa hè cũng gây khó khăn nhất định vì thời tiết quá nóng bức. Nhiều trường vẫn chưa được lắp máy điều hòa, trong khi số lượng học sinh lại đông đúc, vì vậy học thêm thời gian vào mùa hè nóng bức cũng cần xem xét trong bối cảnh chung. "Hơn nữa, việc chia ra nhiều kỳ nghỉ trong một năm học có thể làm gián đoạn quá trình học tập của học sinh. Sau mỗi đợt nghỉ, giáo viên sẽ vất vả hơn trong việc giúp học sinh bắt nhịp lại việc học, ôn tập, tổng hợp lại kiến thức. Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình thì vô tình áp lực sẽ đặt nặng hơn đối với thầy cô và nhà trường", nữ giáo viên này băn khoăn.

Đề xuất chia nhỏ các kỳ nghỉ trong năm cho học sinh: Để địa phương được quyền quy định? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cô Mơ cho rằng, vai trò của gia đình, cha mẹ rất quan trọng trong mỗi kỳ nghỉ của con, bởi nếu cứ "thả lỏng" con thì việc học chắc chắn bị ảnh hưởng. Muốn vậy, nhà trường cần lên lộ trình ôn tập cụ thể, phù hợp để gia đình chủ động phối hợp vừa giúp con nghỉ ngơi, vừa hỗ trợ con ôn tập để tránh quên kiến thức và tái khởi động học tập khó khăn sau mỗi kỳ nghỉ.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, muốn áp dụng phương án này, cần có sự sắp xếp lại toàn bộ lịch trình và có các kế hoạch kỹ lưỡng, tránh ảnh hưởng đến những kỳ thi lớn của học sinh các cấp, trong đó có thi THPT Quốc gia. Muốn vậy, cần có quy định mang tính đồng bộ trong cả nước để đồng nhất các lịch trình về thời gian học, lịch bồi dưỡng giáo viên, lịch thi, tuyển sinh đầu cấp.

Thực tế, trước khi có ý kiến đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trên nhiều diễn đàn, nhân "kỳ nghỉ dài bất đắc dĩ" của học sinh do dịch cúm Covid-19, nhiều phụ huynh đã lên tiếng đề xuất Bộ GD&ĐT nên cho học sinh nghỉ luôn 3 tháng mùa xuân thay vào 3 tháng mùa hè. Bởi khí hậu của miền Bắc mưa ẩm vào mùa xuân, dễ tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan; hoặc có thể tăng thời gian nghỉ Tết và giảm nghỉ hè lại.

Nên để các nhà trường, địa phương tự chủ hơn

Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều băn khoăn nhất, khi hiện tại Bộ GD&ĐT đang quy định duy trì khung thời gian cứng về kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng. Có ý kiến đề xuất, địa phương nên chủ động đặt lại các khung thời gian kỳ nghỉ cho học sinh và cũng là phù hợp trong bối cảnh Bộ GD&ĐT giao cho địa phương sắp xếp hợp lý việc phân bổ kế hoạch năm học.

Đề xuất chia nhỏ các kỳ nghỉ trong năm cho học sinh: Để địa phương được quyền quy định? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục học, Đại học Newcastle (Australia) - cho rằng, Bộ GD&ĐT có thể quy định chung 2 kỳ nghỉ trong năm phù hợp với các kỳ thi quan trọng của mỗi cấp. Dựa trên 2 kỳ nghỉ chung đó, các địa phương và các trường có thể phân chia các kỳ nghỉ nhỏ hơn phù hợp với các điều kiện khí hậu, địa lý, bối cảnh văn hóa, kinh tế và xã hội của mỗi địa phương.

"Bộ GD&ĐT nên giao quyền tự chủ hơn cho các trường cũng như các địa phương chủ quản trong các hoạt động giáo dục, tiến tới xây dựng cơ chế tự chủ trong trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông. Không nên cứng nhắc quy định thành 2 hay 4 kỳ nghỉ vì các đặc điểm khác biệt của vùng miền", ông Nguyễn Sóng Hiền phân tích.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cũng đồng tình với ý kiến này khi cho rằng mỗi địa phương có thể sắp xếp kỳ nghỉ khác nhau, tùy thuộc điều kiện khí hậu, văn hóa. Tuy nhiên, cần đảm bảo khối lượng học tập trong năm và thời gian kết thúc năm học phải tương đồng nhau.

Trước các ý kiến khác nhau, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho rằng nếu nghỉ đông xuân thay cho hè sẽ khó đồng nhất cho cả 3 cấp học, bởi việc học của mỗi cấp học là khác nhau. Học sinh cuối cấp buộc phải có kỳ thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, không thể lùi đến sang năm. Vì vậy, cần tính đến các mốc thời gian này, cần tính toán lùi hơn năm học trước nhưng không ảnh hưởng lớn các năm tiếp theo. "Căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại theo lứa tuổi và địa bàn. Nếu tất cả học sinh đều nghỉ 3 tháng thì sẽ ảnh hưởng năm học tiếp theo", ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn