Phát biểu khai mạc, bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: Theo dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 8 cuối năm 2024, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động, trong đó có lao động nữ.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012 đã đánh giá những kết quả đạt được và chỉ ra một số hạn chế, bất cập. Về cơ bản, Luật Công đoàn 2012 đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động nói chung, trong đó có lao động nữ. Những quy định đó đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện quyền của lao động nữ trên thực tế.
Theo bà Thái Thu Xương, trong quá trình tham gia và nghiên cứu dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhận thấy một số quy định trong dự thảo Luật còn chưa rõ và cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện bình đẳng giới và đảm bảo cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình.
Đặc biệt, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử về giới trong mọi lĩnh vực; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế với cam kết thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc và quyền bình đẳng của người lao động tại nơi làm việc.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia và cán bộ công đoàn các cấp từ các điểm cầu địa phương cùng thảo luận và đề xuất các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ được quy định trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), giúp người lao động ổn định đời sống, việc làm và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với lao động nữ.
Trong đó, các ý kiến tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền của lao động nữ như: đánh giá tình hình thực hiện chính sách đối với lao động nữ; việc thực hiện lồng ghép giới trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); các quy định liên quan đến lao động nữ trong dự thảo Luật...
Đồng thời, các đại biểu đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến quyền của lao động nữ trong dự thảo Luật; làm rõ hơn các quy định liên quan tới lao động nữ, cụ thể như; Bổ sung quy định "Vì sự tiến bộ của phụ nữ" vào khoản 11 Điều 11 để đảm bảo cho lao động nữ có cơ hội phát triển bản thân trong lao động, học tập và thăng tiến. Bổ sung, sửa đổi về các hình thức giám sát, quyền của tổ chức công đoàn trong hoạt động giám sát, giúp công đoàn chủ động trong việc giám sát và bảo vệ quyền lợi cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận khoản 5 Điều 21, bổ sung quy định quyền của đoàn viên công đoàn: Được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ thông tin với tổ chức công đoàn về lao động, việc làm, đời sống nhằm giúp tổ chức công đoàn tiếp cận và gần gũi hơn với người lao động, trong đó có lao động nữ để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết. Đặc biệt, Khoản 6 Điều 21 bổ sung quy định người lao động được công đoàn tư vấn, hỗ trợ xây dựng đời sống gia đình, nuôi dạy, chăm sóc con theo đúng chức năng, nhiệm vụ tổ chức công đoàn hiện nay đang thực hiện...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn