Đề xuất cho phép Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên tổ chức chính trị - xã hội trong nước

17:51 | 22/08/2024;
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đề xuất mở rộng việc cho phép các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị - xã hội trong nước như Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh ở Việt Nam, đại diện các hội phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài là thành viên Hội LHPN Việt Nam.

Ngày 22/8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ tư và Diễn đàn trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. 

Diễn đàn đã nhận được nhiều tham luận góp ý của các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhiều kiều bào có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đề xuất, Nhà nước cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai.

Ông Thắng cho biết, thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư, do đó nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. "Nguyện vọng chính đáng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau" – Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cho biết.

Đề xuất cho phép Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên tổ chức chính trị - xã hội trong nước- Ảnh 1.

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu. Ảnh: Tuấn Anh

Ông Hoàng Đình Thắng cho hay, mặc dù đã có quy định của pháp luật về vấn đề này, tuy nhiên triển khai trên thực tế rất khó khăn, nhiều quy định và giấy tờ không thể thực hiện được dẫn đến rất ít người được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều.

Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cũng đề xuất cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội; mở rộng việc cho phép các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị - xã hội trong nước như Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh ở Việt Nam, đại diện các hội phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài là thành viên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam...

"Hiện đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam"

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, chia sẻ, ngay từ những ngày đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, ông đã trở về quê hương với sứ mệnh là mở đường bay TPHCM - Manila, góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận đối với Việt Nam.

Sau đó, ông đã gom góp tài sản cũng như kêu gọi bạn bè trở về đầu tư tại quê hương, từ đó tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong suốt hành trình phát triển và hội nhập quốc tế.

"Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Đề xuất cho phép Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên tổ chức chính trị - xã hội trong nước- Ảnh 2.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines. Ảnh: Tuấn Anh

Theo ông, một điều rất đáng mừng là thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả những người sinh ra ở nước ngoài. Ở TPHCM, hiện có gần 100 công ty khởi nghiệp và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ, trong đó đa số về từ Mỹ.

Để có thể phát huy khả năng, tranh thủ những công nghệ mới, ông Hạnh Nguyễn nêu giải pháp: Chính phủ có thể áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, có sự giám sát của các nhà quản lý) mà không đòi hỏi nhiều giấy phép.

Cùng với đó, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết vẫn cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục. Ông cho rằng cần xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.

Đáng lưu ý, ông cho rằng cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Chúng ta nên có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ, đầu tư mạo hiểm vì đó là những thành tố chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giúp cho những người sáng tạo thuận lợi trong việc tạo ra các công nghệ mới và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ đó", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu kiến nghị.

Đề xuất Việt Nam xây dựng trường đại học về trí tuệ nhân tạo

Là chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, TS Lê Viết Quốc, Nhà nghiên cứu AI tại tập đoàn Google, kiều bào Mỹ nhấn mạnh cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra như một cơn sóng ngầm. Đây sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống bị tự động hóa.

Với kinh nghiệm của mình, ông Quốc nêu các khuyến nghị để Việt Nam có thể biến thách thức này thành cơ hội. Ông nhấn mạnh tài sản lớn nhất của Việt Nam chính là con người. Dựa trên nền tảng này, giáo dục trí tuệ nhân tạo đặc biệt ở bậc đại học cần được đầu tư mạnh mẽ.

Theo ông Quốc, Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về trí tuệ nhân tạo, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu.

Đề xuất cho phép Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên tổ chức chính trị - xã hội trong nước- Ảnh 3.

TS Lê Viết Quốc, Nhà nghiên cứu AI tại tập đoàn Google, kiều bào Mỹ. Ảnh: BTC

Tiếp đó, phải tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đa dạng và mạnh mẽ.

Cùng với đó, Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giao thông và nhiều lĩnh vực khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn