Đề xuất đưa việc giữ trẻ từ 3 tháng tuổi vào luật: Giáo viên hoảng

16:19 | 02/01/2018;
Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục do Bộ GD&ĐT công bố mới đây vừa có quy định gây chú ý liên quan đến trẻ mầm non, theo đó cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ từ 3 tháng đến dưới 6 tuổi.

Quá non nớt để đi nhà trẻ

Là giáo viên mầm non có kinh nghiệm tại một trường mầm non tư thục ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội, cô giáo Trần Thu Trang, đã có nhiều chia sẻ đáng suy nghĩ liên quan đến độ tuổi đi học của trẻ mầm non. Nữ giáo viên hiện nay đang phụ trách lớp trẻ bé nhất tại trường này, nhóm trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi.

“So với các nhóm tuổi khác thì lớp của tôi được xem là tất bật nhất trường, dù số lượng trẻ chỉ 8 bé và có 2 giáo viên phụ trách. Áp lực đến từ nhiều phía, trong đó tuổi của bé còn quá non để có thể làm quen, thích nghi với môi trường lớp học” - cô Thu Trang cho biết.

Trông trẻ dưới 1 tuổi là thử thách không nhỏ với giáo viên mầm non. Ảnh minh họa 

Đơn cử, chỉ riêng việc cho bé ăn đã là khó khăn lớn của các cô. Với lứa tuổi 12 tháng trở đi, có bé có thể ăn cháo hạt, thậm chí ăn cơm nát rất tốt. Thế nhưng có những bé vẫn đang phải ăn cháo xay, cứ lẫn chút hạt là bé trớ hết. Chưa hết, các bé khỏe mạnh thì không sao, nhưng hễ có một bé tiêu chảy, đau mắt… là cả lớp sẽ diễn ra tình trạng lây nhau, khiến các cô rất khó kiểm soát.

“Mới đây, vì có dịch tiêu chảy cấp mà một bé trong lớp tôi đi ngoài liên tục 5 - 6 lần. Chỉ riêng việc vệ sinh cho bé, rồi lau dọn thôi là chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian, còn phải chăm sóc những bé khác nữa. Phụ huynh nào hiểu thì có thể cho bé ở nhà, nhưng có những bố mẹ vẫn cứ cho con đi lớp nên giáo viên đành khắc phục hoàn cảnh. Nhiều hôm thời gian phần lớn của tôi là loanh quanh khu vực… WC để lau rửa và dọn dẹp. Cả lớp học nhộn nhạo và mùi mè bởi tiếng trẻ khóc, rồi trẻ trớ” - nữ giáo viên trải lòng.

Rất nhiều áp lực khác đến với các cô không chỉ liên quan đến việc ăn, ngủ… cho các bé, mà còn là vấn đề đảm bảo sức khỏe tốt, bởi đây là lứa tuổi chưa hoàn thiện sức đề kháng. Bố mẹ cho con ở lứa tuổi trên dưới 12 tháng đi học, đồng nghĩa với việc đối mặt với tình trạng ốm vặt liên tục của con.

Chính vì vậy, khi nghe đến đề xuất trẻ 3 tháng tuổi có thể được phép đi gửi ở trường mầm non, cô giáo Thu Trang rất tâm tư. Cũng là mẹ đang nuôi con nhỏ, nữ giáo viên cho rằng, lứa tuổi này chưa sẵn sàng, đúng hơn là quá non nớt để sống ở một môi trường như nhà trẻ.

“6 tháng tuổi phải đi gửi trẻ là đã thấy xót cho bé lắm rồi, đằng này 3 tháng thì non quá! Cô giáo sẽ rất vất vả trong vấn đề chăm sóc cá nhân cho bé, vì thế tỉ lệ quy định là 1 cô phụ trách 5 trẻ chắc chắn không bao giờ thực thi được, may ra thì 1 cô 2 trẻ mới làm được! Và nếu có thực hiện thì phải có điều kiện cơ sở vật chất tốt, đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ chứ không phải nhà trẻ nào cũng có thể nhận được trẻ ở lứa tuổi này! Đặc biệt, đãi ngộ dành cho giáo viên cũng cần tăng thêm khi áp lực công việc lớn, cũng là điều cần tính tới nếu bắt buộc các cơ sở giáo dục dục mầm non nhận trẻ ở độ tuổi này” - cô Trang nói.

Từng thất bại khi thí điểm trông trẻ từ 6 tháng tuổi

Theo Bộ GD&ĐT, sở dĩ có nội dung này là xuất phát từ đề xuất của chính các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Thanh Hóa... trên cơ sở điều chỉnh quy định phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Bảo hiểm xã hội và đáp ứng nhu cầu thực tế.

Trong thực tế, đây không phải là lần đầu tiên số tuổi đi nhà trẻ của bé được đề cập đến trong văn bản pháp luật. Quy định các cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng đến dưới 6 tuổi đã được đưa vào Điều lệ trường mầm non từ năm 2008, ban đầu cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực, song khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) thừa nhận, các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay chủ yếu nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, rất ít cơ sở nhận trẻ dưới độ tuổi này. Vào năm 2014, TP.HCM là đơn vị duy nhất triển khai thí điểm đề án nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại trường công lập, nhưng thực tế cho thấy có những cơ sở chỉ có… 1 trẻ đăng ký học.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 12/2017, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án đầu tư trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2018-2019. Trước nhu cầu gửi con của người lao động, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn sau thời gian nghỉ sinh theo chế độ là rất lớn, từ đó, UBND thành phố thực hiện đề án và đề xuất chọn từ 2 đến 3 trường mầm non công lập thí điểm tiếp nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng, bắt đầu từ năm 2018-2019.

Trong đó, việc đầu tư thiết bị, đồ chơi làm nền tảng cho các trường trong công tác rà soát và làm quen với việc bố trí không gian phòng nhóm để tiến đến thu nhận trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi. Dự kiến, năm 2019, đầu tư thiết bị đại trà cho 44/68 trường mầm non công lập với 55 nhóm lớp thí điểm thu nhận trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi.

“Hầu hết các trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng và trình độ chuyên môn của giáo viên còn hạn chế để chăm sóc trẻ độ tuổi này. Các trường nằm ở địa bàn có nhiều doanh nghiệp, số trẻ được gửi không ổn định do gia đình hay di chuyển, chưa yên tâm về chất lượng chăm sóc trẻ”- ông Minh cho biết.

Tuy gặp thất bại với nhóm trẻ 6 tháng tuổi, ông Nguyễn Bá Minh vẫn cho rằng, đề xuất nhóm trẻ từ 3 tháng tuổi đi học lớp mầm non vẫn có cơ sở. “Hiện có khá nhiều bà mẹ nghỉ trước sinh từ 2 đến 3 tháng, khi đi làm, nếu không có chỗ gửi con sẽ rất khó khăn. Thực tế, cũng có một số nhà máy, công ty đã thành lập nhà trẻ nhận chăm sóc con của người lao động ở độ tuổi còn rất nhỏ. Đây là nhu cầu thực tế”.

Giáo viên tâm tư, trong khi lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định vẫn có thể thực hiện được do nhu cầu cấp bách thực tế của không ít phụ huynh. Vậy phụ huynh, những người trong cuộc, họ suy nghĩ gì về điều này? Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn