ĐBQH Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) khi đề cập đến vấn đề này đã dẫn chứng số liệu mới nhất của Bộ TT&TT, hiện các trang mạng xã hội của Việt Nam có khoảng 65 triệu người sử dụng, mạng xã hội của nước ngoài có khoảng 90 triệu lượt người sử dụng và con số này được dự báo tiếp tục tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.
Theo ông Sỹ, thông qua mạng xã hội, các cá nhân được bày tỏ quan điểm tương tác một cách nhanh chóng về các vấn đề xã hội quan tâm. Đây cũng là kênh giao tiếp hữu hiệu để chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân cũng như việc giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân.
Tuy nhiên, chính vì sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên đã có những cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng như là công cụ phục vụ cho mục đích chống phá Đảng, chống phá nhà nước với mục đích lừa đảo, bôi nhọ hay kích động bạo lực, xuất phát từ việc thiếu hiểu biết pháp luật hoặc đơn giản chỉ là để thỏa mãn nhu cầu thể hiện bản thân.
Những tác động mang lại, theo ĐB Sỹ là quá nặng nề, tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường cũng như tác động tiêu cực đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân và công dân.
ĐB Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) đồng tình khi cho rằng, quản lý thông tin mạng đang có vấn đề. Theo ông, hiện cơ quan chức năng gần như chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn, xử lý tình trạng những thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng.
Rất nhiều thông tin mang tính chất phản động, nói xấu chế độ, lãnh tụ, kích động bạo lực,… trên các mạng xã hội, dẫn đến nhận thức lệch chuẩn về thông tin, nhất là thế hệ trẻ hiện nay và là một trong những nguyên nhân gây ra tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, cũng như sự hoài nghi về chế độ, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần tăng cường xây dựng những giải pháp hữu hiệu và tăng cường công tác quản lý để làm giảm và giải quyết triệt để tình trạng tin xấu, tin độc hại này” - ĐB Chính đề xuất.
Còn theo ĐB Đinh Công Sỹ, giải pháp hợp lý nhằm quản lý mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay phải vừa theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của Việt Nam.
“Tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, pháp luật dân sự và hình sự liên quan tới an toàn thông tin, kịp thời định hướng dư luận với những thông tin sai trái. Bộ TT&TT cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động vận hành của Trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia” - ĐB Đinh Công Sỹ đề xuất.
Cũng theo ông, cơ quan này cần phối hợp tốt với các nhà cung cấp thông tin, dịch vụ cung cấp dịch vụ từ nước ngoài trong việc phối hợp ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm pháp luật trên lãnh thổ của Việt Nam.
“Tôi đề nghị Bộ Công an và chính quyền các địa phương cần có các giải pháp phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng” - ĐB Đinh Công Sỹ nói.