Đề xuất giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 xuống 1 lần trong đời

11:52 | 12/05/2023;
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đại biểu Quốc hội đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật này tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Hà Nội, cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới đã được điều chỉnh cơ bản thành Luật Chuyển đổi giới tính. Theo đó, thu hẹp phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật; làm rõ hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; điều chỉnh tương đối nhiều về điều kiện, quy trình, thủ tục chuyển đổi giới tính.

Chính sách của dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời; bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã rà soát sơ bộ và xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính theo hướng triển khai thực hiện Điều 37 của Bộ luật Dân sự; kế thừa, áp dụng tương tự các quy định hiện hành (pháp luật về hộ tịch, về xác định lại giới tính).

Do phạm vi điều chỉnh đã thu hẹp lại chỉ chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ nên ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Đề xuất giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 xuống 1 lần trong đời - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Hà Nội, trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Ảnh quochoi.vn

Thẩm tra đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, các cơ quan thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm xác lập cơ chế thực hiện quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật"; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của một nhóm đối tượng trong xã hội về thực hiện chuyển đổi giới tính để được công nhận và sống với đúng giới của mình.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với 4 nhóm chính sách lớn trong đề nghị xây dựng Luật và thấy rằng, các chính sách do ĐBQH đề nghị đã có sự kế thừa, sắp xếp một cách hợp lý trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu, đề xuất của Bộ Y tế và bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh, tên gọi của Luật đã được thay đổi.

Để hoàn thiện hơn hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề, cụ thể:

Nhóm Chính sách 1 (điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính): Đề nghị nghiên cứu bổ sung cả trường hợp "xác định lại giới tính của cá nhân" theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Dân sự cũng thuộc phạm vi của thực hiện chuyển đổi giới tính.

Đề xuất giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 xuống 1 lần trong đời - Ảnh 2.

Các đại biểu tại phiên họp

Nhóm Chính sách 2 (thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân): Đề nghị thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính; đồng thời cần nghiên cứu về một số quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.

Nhóm Chính sách 3 (xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực): đề nghị nghiên cứu bổ sung giải pháp phù hợp với hình thức, mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Bày tỏ trân trọng và hỗ trợ tối đa đại biểu Quốc hội thực hiện sáng kiến pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Đây là dự án luật đầu tiên quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính, là vấn đề khá nhạy cảm trên thế giới và trong xã hội và còn có quan điểm ý kiến khác nhau. Việc đại biểu Quốc hội phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc sáng kiến lập pháp là điều đáng trân trọng.

Góp ý về một số nội dung liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, ông Bùi Văn Cường nhất trí về căn cứ pháp lý và sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, đảm bảo thực hiện quy định về chuyển đổi giới tính tại Bộ luật Dân sự 2015.

Đề xuất giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 xuống 1 lần trong đời - Ảnh 3.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Đồng tình với việc điều chỉnh tên gọi từ Luật Bản dạng giới sang dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị cần phân biệt rõ về việc chuyển đổi giới tính theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự là vấn đề mới được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 so với việc xác định lại giới tính theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Dân sự là vấn đề đã có Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện và thực hiện ổn định trong thực tế.

Cùng với đó, cần nghiên cứu, tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế, chuyên gia pháp luật đánh giá tác động kỹ lưỡng các nội dung như về mức độ can thiệp y học và điều kiện để được can thiệp y học; rà soát hệ thống pháp luật, dự kiến các văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung để triển khai khi thành Luật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn