Đề xuất giờ làm việc bắt đầu lúc 8g30

11:32 | 31/10/2017;
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 31/10, đại biểu Quốc hội kiến nghị lùi khung giờ làm việc bắt đầu từ 8giờ 30, kết thúc 17giờ của khối hành chính, dịch vụ công và giáo dục; rút ngắn thời gian nghỉ trưa.

 

nguyen-van-canh-binh-dinh.jpgĐại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

 

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đề xuất với Chính phủ nghiên cứu khung giờ bắt đầu làm việc hiện tại đã phù hợp, hiệu quả và cần thay đổi hay không.

Qua nghiên cứu, khảo sát khung giờ làm việc hành chính của các nước, đại biểu này đề nghị thay đổi khung giờ làm việc của khối hành chính, dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở đô thị. “Giờ làm việc nên bắt đầu từ khoảng 8 giờ 30 hoặc 9 giờ; kết thúc 17 giờ; thời gian nghỉ trưa 1 tiếng đồng hồ”, đại biểu Cảnh nêu.

Khối doanh nghiệp, tư nhân tự quyết định khung giờ làm việc phù hợp điều kiện của mỗi đơn vị.

Theo đại biểu Cảnh, nếu bắt đầu giờ làm việc từ 8 giờ 30 thì không phải bố trí lệch giờ để tổ chức giao thông; mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm cùng lúc; không gây ùn tắc, tiết kiệm chi phí, thời gian; đồng thời hiệu quả giao thông công cộng cũng tăng lên gấp đôi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân so với khung thời giờ 6 đến 7 giờ.

Bên cạnh đó, việc nghỉ trưa rút ngắn 1 giờ so với trước đây sẽ đảm bảo sức khỏe của người lao động. Đại biểu Cảnh dẫn kết quả nghiên cứu về thời giờ nghỉ trưa dài khiến phát sinh nhiều bệnh tật như huyết áp, mỡ máu, phổi… Ngủ trưa nhiều gây mệt mỏi, nhức đầu dẫn đến hiệu quả làm việc buổi chiều giảm.

Về sức khỏe học sinh và quan hệ gia đình, lùi thời giờ bắt đầu làm việc quan hệ gia đình sẽ gắn bó hơn. Cha mẹ có nhiều thời gian hơn để cho con cái ăn uống đầy đủ vào bữa sáng; có thời gian quan tâm tới hoạt động sinh hoạt của con ở trường. Đồng thời, “không còn thấy hình ảnh cha mẹ đèo con đến trường, con ngồi sau một tay cầm bánh mỳ, một tay cầm hộp sữa. Như vậy vừa không tốt cho sức khỏe trẻ em, mất an toàn giao thông. Nhiều trẻ đi đến trường phải dậy từ 5 – 6 giờ sáng, đến lớp còn ngủ gật. Không chỉ vậy, đi làm sớm, nhiều người bố… không thấy mặt con”, đại biểu Cảnh dẫn chứng.

thot-tim-hinh-anh-nhung-em-be-ngu-gat-tren-xe-may.jpgĐBQH Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, lùi khung giờ làm việc, cha mẹ có điều kiện chăm sóc con trẻ tốt hơn (ảnh minh họa) 


Ngoài ra, khung giờ làm việc từ 8giờ 30 cũng giúp mỗi cá nhân có thời gian giải quyết các việc riêng, mối quan hệ xã hội và giảm thiểu tình trạng sử dụng giờ làm việc vào giải quyết việc riêng, nâng hiệu quả công việc. Đồng thời giờ làm việc muộn hơn cũng giúp tiết kiệm năng lượng hơn so với giờ làm việc sớm so với giờ làm từ 7giờ đến 7giờ 30.

Đại biểu Cảnh cũng lưu ý, nếu áp dụng lùi thời gian bắt đầu làm việc sẽ làm thay đổi thói quen, điều kiện sinh hoạt của nhiều cá nhân, gia đình. Nếu thay đổi có sự hiệu quả, lợi ích lớn hơn thì cần ưu tiên cho sự thay đổi. Vị này đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho nghiên cứu, đánh giá tác động và lấy ý kiến đầy đủ của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước, quốc tế để có đánh giá tác động và hiệu quả của việc đổi giờ làm.

 

Đầu năm 2012, Hà Nội đã thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm, giờ kinh doanh với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học ở 10 quận, huyện. Theo đó, các trường bắt đầu học từ trước 7giờ, kết thúc sau 19giờ. Riêng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở học từ 8giờ và kết thúc vào 17giờ.

Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên tiếp nhận học sinh từ 7giờ30 và quản lý học sinh đến 17giờ30 hàng ngày.

Các cơ quan, tổ chức của trung ương, thành phố, quận huyện, xã phường, thị trấn bắt đầu làm việc vào 8giờ và kết thúc vào 17giờ.

Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về hiệu quả của việc thay đổi giờ làm này.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn