Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg (4/3) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh có từ 30% lao động và từ 100 lao động trở lên phải luân phiên tạm ngừng việc cộng dồn từ 1 tháng trở lên mà doanh nghiệp không có khả năng thanh toán tiền lương, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Thời gian thực tế ngừng việc từ 1 tháng trở lên nhưng tối đa không quá 3 tháng từ khi ban hành chính sách đến hết tháng 12/2020.
Bộ này cũng đề xuất mức vay tối đa bằng kinh phí để thanh toán tiền lương ngừng việc phải trả cho người lao động bị ngừng việc và phần người sử dụng lao động đóng các loại bảo hiểm bắt buộc. Nguồn ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, ước tính số lao động bị ngừng việc là 250 - 500 ngàn người, tương ứng từ 17,6 - 35 ngàn doanh nghiệp. Dự kiến số tiền doanh nghiệp phải vay để trả lương ngừng việc khoảng từ 4,8 đến 9,6 ngàn tỷ đồng, ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất khoảng 355 đến 710 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm. Theo tính toán của Bộ này, số người lao động bị thôi việc là 100 đến 200 ngàn người (tương ứng với 7 đến 14 ngàn doanh nghiệp). Dự kiến số tiền doanh nghiệp phải vay để trả trợ cấp thôi việc từ 1 đến 2 ngàn tỷ đồng. Nếu ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay để doanh nghiệp trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, thì ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp bù lãi suất khoảng từ 60 đến 120 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp bị giải thể, phá sản. Ước tính số lao động bị thôi việc ở các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản do ảnh hưởng dịch là 55 đến 110 ngàn người (tương ứng với 3,8 đến 7,2 ngàn doanh nghiệp), dự kiến kinh phí hỗ trợ trả trợ cấp thôi việc từ 530 đến 1.060 tỷ đồng. Nguồn kinh phí tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ này cũng đề xuất chương trình tín dụng ưu đãi đối với người lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng, được vay vốn với lãi suất thấp với khoảng 3,96%/năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội….
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn