Nhằm tăng cường giám sát công tác thuế trong hoạt động kinh doanh vàng thời gian tới, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Bộ Tài chính, ngành thuế đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp để đưa kinh doanh vàng vào quản lý thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Giải pháp này giúp kiểm soát dòng tiền, chống rửa tiền và thực hiện chủ trương Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Minh, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng luôn chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.
"Sau 2 năm, ngành thuế đã giám sát, đảm bảo 100% cửa hàng vàng phải xuất hóa đơn điện tử", ông Minh nói.
Theo thống kê từ Tổng cục Thuế, đến nay, trên toàn quốc đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Về đề xuất của nhiều chuyên gia xung quanh việc cần phải đánh thuế với giao dịch vàng để giảm bớt nhu cầu của một bộ phận người dân có mục đích đầu cơ, thao túng thị trường vàng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá kỹ lượng với đề xuất này và báo cáo cấp có thẩm quyền. Theo Thứ trưởng, việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn nhiều mặt khác.
Trước đó, tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, nhiều chuyên gia đã đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng để giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt mục đích đầu cơ, thao túng giá. Các chuyên gia cho rằng, hiện các lĩnh vực đầu tư như chứng khoán, bất động sản đang chịu thuế thu nhập cá nhân nhưng giao dịch vàng thì chưa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn