Đề xuất không hoặc chậm tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 do tác động của dịch Covid-19

17:25 | 23/06/2020;
Tại Phiên đàm phán thứ 1 của Hội đồng tiền lương quốc gia diễn ra hôm nay 23/6, có 2 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021 được đưa ra để các bên thảo luận, đàm phán. 2 phương án đưa ra là không tăng hoặc chậm tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.

Hôm nay 23/6, Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên thứ 1 đàm phán mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương đã đưa ra hai phương án, cụ thể:

Phương án 1 là không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.

Phương án 2, từ 1/7/2021 sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.

Với phương án 2 này, thời gian tăng lương sẽ chậm hơn so với trước đây 6 tháng.

Theo quy định, Hội đồng tiền lương quốc gia họp kín hai hoặc ba phiên; sau đó thống nhất và trình lên Thủ tướng xem xét, quyết định.

Như báo phunuvietnam.vn đã đưa, trao đổi với báo giới bên lề phiên đàm phán lương tối thiểu năm 2021, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết: Năm nay, việc thương lượng mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ có nhiều khác biệt so với mọi năm, bởi nước ta vừa trải qua một đợt đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới đời sống của đại đa số người lao động.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: góc độ đại diện người lao động, "chúng tôi sẽ căn cứ trên cơ sở đánh giá tình hình đời sống người lao động, nhất là mức sống tối thiểu". Đồng thời cũng đánh giá tình hình doanh nghiệp trong bối cảnh có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Qua đó sẽ "quyết định kiến nghị tăng hay không tăng, nếu tăng thì như thế nào".

Hai phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 - Ảnh 1.

Đề xuất từ 1/7/2021 sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Ảnh minh họa

Còn đại diện giới chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Đại dịch Covid-19 hoành hành đã tước đi cơ hội tồn tại của nhiều doanh nghiệp, và những doanh nghiệp có sức đề khác yếu cũng bị tổn thương nghiêm trọng, phải tính tới chuyện giải thể. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ giải thể cao hơn.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, dịch bệnh đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, đơn hàng mới và việc làm mới là không có; doanh nghiệp phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết, đặc biệt là các doanh nghiệp thâm dụng lao động cao như doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản, điện tử….

VCCI cũng trao đổi rất kỹ với các doanh nghiệp, hiệp hội  và đưa ra thống nhất của giới chủ sử dụng lao động là kiến nghị "không điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021". Qua đó, giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi cũng như bảo vệ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này – lãnh đạo VCCI nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn