Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong số các nội dung được đề xuất điều chỉnh về "đối tượng Chương trình". Tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình quy định đối tượng Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 88/2019/QH14 gồm: "Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn".
Trong thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình, một số đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, các trường phổ thông dân tộc nội trú, một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, Trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện có vai trò quan trọng và trực tiếp tác động đến các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình như: Phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số...
Thực tế hiện nay điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị... của các đơn vị trên còn rất thiếu thốn, cần có sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, tổ chức này chưa được quy định rõ tại chủ trương đầu tư Chương trình, do có trụ sở đóng ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dẫn đến một số khó khăn trong việc lập, thẩm định kế hoạch bố trí vốn, thanh quyết toán trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh làm rõ hơn đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư của Chương trình có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: "Một số đơn vị sự nghiệp công lập là trường dự bị Đại học, Đại học, trường chuyên biệt; các trường phổ thông dân tộc nội trú; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi".
Thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, nhận định: Công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên hiện nay, các trường trung cấp, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, trung tâm kỹ thuật, trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện tại các tỉnh có chức năng đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, có tới 80% theo học là học sinh dân tộc thiểu số; Trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, nguồn đầu tư cho việc giảng dạy còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này cũng là đơn vị thực hiện các nhiệm vụ tại các Dự án 3, Dự án 5 của Chương trình. Nhưng vì địa điểm của các cơ sở này ở trung tâm huyện, tỉnh, mà không nằm ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nên không được thụ hưởng của Chương trình.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cho rằng, còn những vướng mắc trong thực hiện các tiểu Dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung phạm vi thực hiện, mở rộng đối tượng các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ở trung tâm huyện, thành phố thuộc các khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng tình với đề nghị 2 nội dung điều chỉnh về nguồn vốn thực hiện và đối tượng đầu tư thực hiện Chương trình, theo đại biểu Cẩm Hà Trung, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện về đối tượng đầu tư của Chương trình, đề nghị sửa đổi đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã cần phải "có hoạt động" ở vùng đặc biệt khó khăn; thứ 2, bổ sung đối tượng đầu tư thuộc diện của Chương trình, như trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo quy định, chỉ có các trung tâm thuộc địa bàn thực hiện Chương trình thì mới thuộc đối tượng đầu tư của Chương trình. Nhưng các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp được sáp nhập theo quy định, chỉ vì tên gọi sau sáp nhập, mà chức năng vẫn giữ nguyên, thì lại không thuộc đối tượng được đầu tư của Chương trình.
Đại biểu đề nghị đưa các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp ở tại các huyện có các xã thực hiện Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc đối tượng được đầu tư của Chương trình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn