Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua năm 2008, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2014.
Tuy vậy, quá trình tổ chức thi hành Luật Bảo hiểm y tế phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Đồng thời tạo sự thống nhất, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực về cấp khám chữa bệnh quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và tháo gỡ ngay một số vướng mắc, khó khăn lớn trong thực tiễn, tạo điều kiện cho Nhân dân, nhất là những người mắc bệnh nặng, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Thảo luận tại hội trường, phần lớn các đại biểu Quốc hội thống nhất việc trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để Quốc hội cho ý kiến thông qua theo quy trình một kỳ họp. Qua đó đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật khác có liên quan, khắc phục các tồn tại, hạn chế mang tính cấp bách của luật hiện hành.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, cho rằng: Nhiều điều khoản của dự thảo Luật đã được tiếp thu, sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân như mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ. Đặc biệt, các xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, nay các xã này không còn nằm trong diện khó khăn, đặc biệt khó khăn vẫn được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu rõ, sau cuộc giám sát thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua, Đoàn giám sát và các ĐBQH nhận thấy, còn một bộ phận đồng bào DTTS&MN có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, do đó việc hỗ trợ này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ các chính sách đó theo một lộ trình để người dân an tâm thực hiện chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững.
Quan tâm đến mục tiêu BHYT bao phủ toàn dân sớm đạt được, đại biểu Châu Quỳnh Dao góp ý xoay quanh vấn đề đối tượng tham gia BHYT đối với học sinh, sinh viên. Đại biểu đề xuất bãi bỏ điểm d khoản 6 Điều 13 của dự thảo Luật: "Trường hợp đối tượng tham gia BHYT quy định tại khoản 4, Điều 12, đồng thời buộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Luật này thì được lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp", có nghĩa là dự thảo Luật mở cho các em được đóng theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc học sinh, sinh viên tại nhà trường.
Đại biểu cho rằng, mức đóng của học sinh, sinh viên bằng 4,6% mức lương cơ sở. Và đông đảo cử tri cho rằng, mức đóng đó vẫn cao so với thu nhập của họ. Do đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao mong rằng Ban soạn thảo cân nhắc giữ theo quy định hiện hành. Đồng thời kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ NSNN tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Bởi vì đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Cùng với đó, cần bổ sung thêm nhóm các hộ thoát nghèo vào danh sách được NSNN hỗ trợ.
Quan tâm tới quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là học sinh, sinh viên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng. Như vậy sẽ kéo theo 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia bảo hiểm y tế.
Góp ý quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị bổ sung đối tượng "Cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975" vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Cụ thể, sửa đổi điểm d Khoản 5 Điều 12 dự thảo Luật BHYT như sau:
"d) Người có công với cách mạng, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, cựu dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến và bảo vệ tổ quốc, cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975".
Đại biểu Trần Quang Minh cho biết, hiện nay Luật BHYT quy định đối tượng Cựu thanh niên xung phong (TNXP) trước năm 1975 và cựu TNXP sau năm 1975 tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào được NSNN cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên đối với Cựu TNXP sau năm 1975 tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế vùng khó khăn chưa được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng là hộ gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế, với lý do người dân tại các xã này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế, trong khi giai đoạn 2020 - 2022 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các chính sách, quy định về chuẩn hộ nghèo thay đổi và tăng lương cơ sở dẫn đến tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của người dân ở vùng này còn hạn chế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn