Đề xuất nhiều giải pháp tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính

11:26 | 27/10/2015;
Tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch lý tưởng là từ 25% trở lên. Đây cũng là mức được đề xuất trong 9 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ được các đại biểu đưa ra.
Coi trọng khâu quy hoạch

So với tỷ lệ chung của cả nước, khu vực Bắc Trung bộ có tỷ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử, cấp ủy các cấp đều thấp hơn. Đặc biệt, đây là khu vực có tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ở cấp cơ sở thấp nhất toàn quốc, cấp tỉnh 3 nhiệm kỳ liên tục không tăng và chưa đạt 15%. Trong khu vực còn 4/6 tỉnh có tỷ lệ nữ cấp ủy cấp tỉnh dưới 10% và 1 tỉnh không có nữ trong Ban Thường vụ cấp tỉnh (Quảng Trị).

Để đạt tỷ lệ nữ trong cấp ủy không dưới 15% theo tinh thần của Chỉ thị 36-CT/TW về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là không dễ dàng khi số liệu về tỷ lệ quy hoạch cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành cấp tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 trong khu vực này khá thấp, cụ thể: Tỉnh có tỷ lệ quy hoạch cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020 cao nhất khu vực là Thừa Thiên – Huế đạt 21,6%; 4/6 tỉnh có tỷ lệ quy hoạch dưới 18%, trong đó, 2 tỉnh có tỷ lệ ở mức 15%.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, để đến Đại hội không phải “đốt đuốc đi tìm cán bộ”, một kinh nghiệm khi làm nhân sự là phải chuẩn bị nguồn cao hơn chỉ tiêu đặt ra. Tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch lý tưởng là từ 25% trở lên. Đây cũng là mức được đề xuất trong 9 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ được đại biểu này đưa ra.

Tới dự và phát biểu tại hội thảo, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, đánh giá cao sáng kiến của TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức các hội thảo khu vực với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, hội thảo này là diễn đàn để các đại biểu tham luận, thảo luận về vai trò, tình hình phụ nữ tham gia trong các cấp ủy đảng, cơ quan dân cử, cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam; những khó khăn, thách thức và nguyên nhân; chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra kiến nghị, đề xuất giải pháp để tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Đây cũng là dịp để trực tiếp tiếp nhận những ý kiến đóng góp về các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Hạn ngạch: Giải pháp hữu hiệu

Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Jean Munro, Tư vấn kỹ thuật cấp cao Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết: Áp dụng hạn ngạch là biện pháp khá hiệu quả để tỷ lệ phụ nữ tham chính trên thế giới không ngừng tăng lên. Đến tháng 12/2014, tỷ lệ nữ nghị sĩ trên thế giới đã tăng lên 21,9% (tăng gần gấp đôi so với năm 1997). Hiện nay, có khoảng 100 nước đang áp dụng chính sách có hạn ngạch về tỷ lệ phụ nữ tham chính.

Hạn ngạch được đưa vào Hiến pháp hoặc Luật bầu cử. Đồng tình với 3 phương án (quy định cụ thể tỷ lệ nữ đại biểu 30%-35%; không quá 65% đại biểu của mỗi giới; tỷ lệ ứng cử viên mỗi giới không thấp hơn 40% hoặc 45%) được nhiều đại biểu đưa ra đối với dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND sửa đổi, bà Jean Munro mong rằng, đề xuất này sẽ được nghiên cứu nghiêm túc.

Có hay không chế tài?

Trước thực tế quy định đã có, chỉ tiêu nêu ra cụ thể nhưng không được thực hiện nghiêm túc, bà Jean Munro nêu quan điểm: Muốn hệ thống hạn ngạch phát huy tác dụng thì phải có cơ quan kiểm tra, giám sát. Nếu không thực hiện thì phải có chế tài. Nhiều ý kiến tại hội thảo lần này cũng như 4 hội thảo cùng chủ đề trước đó đều đề cập đến giải pháp này. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, cần xem việc thực hiện tỷ lệ về cán bộ nữ là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa nêu rõ: 4 tham luận, 17 ý kiến đóng góp tại hội thảo đã nêu ra được những giải pháp, kiến nghị để tăng cường sự tham chính của phụ nữ. Tổng kết 5 nhóm giải pháp, đề xuất, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh nhóm đề xuất với Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ khi ban hành các văn bản, chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành hoặc sửa đổi văn bản hướng dẫn đảm bảo đồng bộ, phù hợp về cách biệt tuổi nghỉ hưu.

Tuổi lao động của nữ kéo dài đến đâu thì tuổi quy hoạch phải điều chỉnh đến đấy; đề nghị Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy chỉ đạo các cấp ủy có quy định đối với Chủ tịch Hội LHPN các cấp không đủ điều kiện tái cử cấp ủy được tiếp tục giữ chức vụ đến tuổi nghỉ hưu, tránh về hưu trước tuổi...

*Bà Lê Thị Tám - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An: Chỉ thị 36-CT/TW quy định, những người được giới thiệu tái cử phải còn đủ thời gian công tác ít nhất từ ½ nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Trong khi độ tuổi lao động của nữ giới ít hơn nam giới 5 năm nhưng độ tuổi tái cử lại như nhau, như vậy, ủy viên nữ quá thiệt thòi. Tôi đề nghị TƯ Đảng nghiên cứu, trong quy định về độ tuổi tái cử với ủy viên nữ phải rút ngắn hơn nam để tạo điều kiện cho chị em tiếp tục cống hiến.
 
*Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm - Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Có 3 yếu tố đảm bảo tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND. Đó là ứng cử viên, các tổ chức bầu cử và cử tri. Trong dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tôi thấy chưa nói đến thành phần nữ tham gia tổ chức bầu cử các cấp. Nên chăng phải quy định một tỷ lệ nhất định thành phần nữ tham gia tổ chức bầu cử các cấp.
 
*Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương - Nguyễn Ngọc Lâm: Để đảm bảo các cấp ủy thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 36-CT/TW, Ban Tổ chức Trung ương đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp là sau khi tiến hành Đại hội Đảng các cấp sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện ở từng cấp, biểu dương những nơi làm tốt, phê bình những nơi làm chưa tốt. Đối với những nơi không đảm bảo tỷ lệ 15% sẽ có thông báo toàn quốc như một hình thức nhắc nhở.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn