Chị Giang là công nhân tại một công ty may mặc trong Khu công nghiệp Tân Bình (TPHCM). Căn phòng trọ mà vợ chồng chị Giang và hai con đang ở có diện tích khoảng 12m2, kể cả gác lửng. Những căn phòng trong dãy trọ nơi chị thuê có diện tích và giá thuê tương tự, chủ yếu dành cho công nhân thuê.
"Gia đình 4 người ở trong căn phòng trọ có diện tích nhỏ như vậy cũng bất tiện nhưng nếu bây giờ thuê phòng rộng hơn, đẹp hơn để ở thì phải có giá thuê 4-5 triệu đồng mỗi tháng. Lương công nhân thì làm sao kham nổi", chị Giang bộc bạch.
Nữ công nhân này chia sẻ thêm, chồng chị cũng là công nhân, tổng thu nhập của hai vợ chồng hằng tháng khoảng 15-16 triệu đồng/tháng. Trong khi các chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ nên cuộc sống nhiều lúc thiếu trước hụt sau.
"Tôi từ Nghệ An vào đây làm ăn, sinh sống cũng đã gần 10 năm rồi. Thú thực chẳng ai thích ở trong những căn phòng chật hẹp, tù túng như thế này cả. Nhưng nghĩ vợ chồng, con cái đi cả ngày, tối về có chỗ để ngã lưng lại phù hợp với túi tiền của mình là được rồi", chị Giang ngậm ngùi tâm sự.
Trong con hẻm 127, đường Âu Cơ (Quận 11, TPHCM) cũng có nhiều khu trọ dành cho công nhân, người lao động thuê trọ. Trong căn phòng trọ như hộp diêm, có chiều rộng khoảng 2,5m và chiều dài 5m, giá thuê 2,5 triệu đồng/tháng, chị Phạm Thúy Hằng (35 tuổi, công nhân giày da) đang chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình.
Chị Hằng chia sẻ, tuy phòng trọ ở đây cũ, tồi tàn nhưng chị vẫn chọn thuê vì gần công ty. Hơn nữa, mức giá phòng cho thuê tại khu vực này cũng phải chăng.
"Thật ra ai cũng muốn có một nơi trọ rộng rãi, sạch sẽ nhưng khả năng kinh tế chỉ có vậy. Về đề xuất nhà trọ phải đảm bảo diện tích sàn tối thiểu 5m2 mỗi người, tôi cũng đồng tình nhưng lo vì nếu đảm bảo quy định thì gia đình tôi 4 người phải ở tách ra làm 2 phòng hoặc phải đi thuê nơi khác rộng hơn.
Như vậy, chi phí thuê trọ sẽ nhiều hơn, làm sao tôi gồng gánh nổi. Do vậy, tôi mong cơ quan chức năng tính toán kỹ càng, hợp lý", chị Hằng bày tỏ.
Mới đây, Sở Xây dựng TPHCM đã trình UBND Thành phố dự thảo đề cương Đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ trên địa bàn. Theo đó, Sở Xây dựng tham mưu UBND TPHCM giao đơn vị này chủ trì xây dựng tiêu chí về diện tích tối thiểu (dự kiến 5m2 sàn/người) để giới hạn số lượng người mỗi phòng; giới hạn số lượng phòng trong mỗi công trình nhà trọ.
Bên cạnh đó, hẻm xây dựng nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ phải có chiều rộng tối thiểu là 4m và cách mặt đường chính không quá 100m; mọi phòng trong nhà phải đảm bảo có hành lang dẫn ra lối thoát nạn…
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, hiện các phòng trọ ở gần các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố đều có diện tích từ 6-15m2. Ngoài ra, điểm chung của các khu trọ này là đều có lối vào nhỏ hẹp; nhiều nơi có không gian tối tăm, ẩm mốc. Có không ít phòng trọ tuy diện tích nhỏ nhưng có đến 4-5 công nhân cùng ở để tiết kiệm chi phí.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ một khu trọ với 130 phòng trọ trên địa bàn phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM), cho biết, có khoảng 280 người ở, mỗi phòng trọ tại đây có diện tích từ 9 đến 12m2, giá thuê dao động 1-1,2 triệu đồng/phòng/tháng. Trong đó, có nhiều phòng trọ là các gia đình có con nhỏ đang thuê ở.
Theo bà Huệ, nếu quy định diện tích sàn tối thiểu 5m2 mỗi người thì khó cho người thuê trọ bởi đa phần đều có cuộc sống khó khăn. Để đảm bảo diện tích theo quy định thì người thuê phải thuê phòng rộng hơn, chắc chắn chi phí sẽ tăng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, chủ khu trọ trên đường Âu Cơ (Quận 11, TPHCM), bày tỏ sự đồng tình với đề xuất quy định diện tích sản tối thiểu bình quân đầu người là 5m2. Điều này sẽ giúp đảm bảo được điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho người thuê trọ. Tuy nhiên, cần có lộ trình và cần tuyên truyền cho người dân hiểu đúng và thực hiện.
Bà Lê Thị Loan, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Xây dựng TPHCM), cho biết, diện tích sàn tối thiểu 5m2 mỗi người chỉ là đề xuất ban đầu trong dự thảo đề cương Đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ trên địa bàn.
Đề án nhằm đưa đối tượng nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ vào quản lý chặt chẽ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ, bảo vệ sự an toàn của người dân. Bên cạnh đó, Đề án cũng giúp cơ quan quản lý có được dữ liệu nhà trọ an toàn, cung cấp đầy đủ thông tin trên ứng dụng điện thoại, hỗ trợ cả người thuê và người cho thuê, đáp ứng cung cầu cho thuê trọ, góp phần hạn chế việc tăng giá cho thuê do thiếu thông tin hoặc thông tin không cân xứng.
Theo bà Loan, về lộ trình thực hiện, sau khi được UBND TPHCM thông qua chủ trương, phê duyệt đề cương thì các sở, ngành sẽ khẩn trương hoàn thành các sản phẩm, các giải pháp quản lý và hỗ trợ nhà trọ trình UBND TPHCM chậm nhất tháng 12/2024.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn