Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 7-8% từ ngày 1/7/2022

13:32 | 12/04/2022;
Sáng nay (12/4), Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Trong đó, phía đại diện người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 7% đến 8% từ ngày 1/7/2022.

Trao đổi bên lề phiên họp này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: 2 năm qua, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bởi doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, đại dịch Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình đời sống, việc làm của người lao động. Phần lớn lao động bị giảm sâu thu nhập, rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành là 4,42 triệu đồng đối với vùng I; vùng II là 3,92 triệu; vùng III là 3,42 triệu và vùng IV là 3,07 triệu đồng.

Theo nhiều chuyên gia, mức lương này đã không còn phù hợp với thực tế cuộc sống của người lao động hiện nay.

Ông Ngọ Duy Hiểu nêu hình ảnh người lao động phải xếp hàng từ sáng sớm đề chờ rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt, cầm cự để qua được đại dịch là điều rất đáng phải suy nghĩ. Chúng ta chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng cũng không thể quan tâm tới một bộ phận người lao động rất khó khăn. Họ đã đến ngưỡng của sức chịu đựng khi vừa bị ảnh hưởng bởi dịch; giá cả hàng hóa tăng nhanh, khiến họ càng thêm khốn khó.

Trong bối cảnh nước ta đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng ở mức 7-8% từ ngày 1/7/2022.

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 7-8% - Ảnh 2.

Niềm vui của người lao động khi nhận tiền lương. Ảnh minh họa.

Trước đó, tại phiên thảo luận thứ 1, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm việc tăng lương tối thiểu vùng cần phải tính toán kỹ, hợp lý và lâu dài trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn cần thời gian phục hồi sau đại dịch.

Để có cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2023, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã tiến hành khảo sát nhiều doanh nghiệp trên cả nước để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương từ 1/4/2022.

Theo đó, khảo sát tại khoảng 2.000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước. Trong đó tập trung ở 3 địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng – nơi có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển. Cuộc khảo sát tập trung các nội dung như quỹ tiền lương, quỹ phụ cấp lương, tiền thưởng, chi phí tuyển dụng đào tạo, mức sống người lao động...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn