Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) vừa có báo cáo gửi Sở Giao thông Vận tải Thành phố việc xây dựng đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào". Tramoc cho biết, kết quả điều tra bước đầu cho thấy, đa số người dân ủng hộ việc thu phí vào nội đô và sẽ tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành từ ngày 24/10 đến 15/11/2022, sau đó hoàn thiện đề án, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định vào ngày 15/12 tới.
Ngược lại với kết quả khảo sát của Tramoc, thực tế khi PV Báo PNVN gặp gỡ người dân, nhiều người phản đối. "Điều cần phải làm là di dời nhà máy, công sở, bệnh viện, trường đại học... ra khỏi nội đô. Hà Nội đã mở rộng địa giới từ hơn 10 năm trước và theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Đô thị vệ tinh phát triển sẽ "kéo" các trường đại học, bệnh viện, nhà máy, công sở di dời, giảm tải được dân số trong nội đô. Thế nhưng, các đô thị vệ tinh của Hà Nội chưa thực hiện được sứ mệnh của mình. Trước khi thu phí nên giải quyết quy hoạch đô thị tốt hơn đã", kiến trúc sư Vũ Đình Thiệp, Công ty xây dựng An Phú Đông, đưa ra quan điểm.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Hà Thanh (quận Thanh Xuân) cho rằng, việc thu phí vào nội đô sẽ không giải quyết được bài toán làm giảm các phương tiện giao thông lưu hành trong thành phố. Những người từ ngoại ô khi có nhu cầu, họ vẫn sẵn sàng mua phí để vào, dù mức phí đó cao hay thấp. Khi đó vô hình trung, Hà Nội lại đặt ra thêm 1 loại phí trong hàng chục loại phí khác mà người đi xe phải nộp. "Tắc đường có nhiều nguyên nhân nhưng gốc rễ của vấn đề này là công tác quy hoạch đô thị. Làm sao không tắc cho được khi nhà cao tầng mọc như nấm, hàng vạn dân cư "nhồi" vào nội đô mỗi năm", chị Thanh chia sẻ.
"Tắc đường là do người dân di chuyển trong nội đô rất nhiều vào giờ cao điểm chứ không phải do phương tiện từ ngoài vào. Thu phí không giảm được ùn tắc, ngược lại làm tăng chi phí, giá cả tiêu dùng ở Hà Nội", chị Hồng Gấm (quận Hoàng Mai) nhận định.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng, việc đề xuất thu phí ô tô vào năm 2024 được xem là một giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, đề xuất cần phải phù hợp với từng thời kỳ, với điều kiện thực tiễn, không thể làm tùy tiện. "Đề xuất thu phí ô tô vào Hà Nội đã được đề cập mấy lần rồi. Vấn đề của Hà Nội là quy hoạch, là hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa chuẩn, rất manh mún", TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Theo ông Thủy, ùn tắc không phải lỗi hoàn toàn do phương tiện cá nhân. Nguyên Giám đốc NXB giao thông vận tải nói rằng, thành phố nào cũng có 30-50 ô tô đi vào, không thể đi hết phương tiện công cộng được. Trong khi đó, giao thông công cộng của Hà Nội còn rất yếu kém, tuyến đường sắt đô thị hiện có duy nhất một tuyến 12 km. "Nếu cấm người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì họ đi bằng gì? Hiện giao thông công cộng của Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 10%, vậy 90% còn lại đi bằng gì? Các tuyến BRT giờ không đáp ứng được, ngược lại còn gây ùn tắc", ông Nguyễn Xuân Thủy nói.
Cũng theo ông Thủy, hạ tầng của Hà Nội yếu kém, tổ chức giao thông cũng chưa tốt, như đèn đường bố trí không hợp lý, nhiều đoạn thắt cổ chai, không có đường thoát… "Giao thông ở Hà Nội bị ùn tắc, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng chứ không phải người dân. Chúng ta phải vì người dân, chứ không thể áp đặt. Người dân đã bị phí chồng phí, giờ lại thu tiền nữa là không nên. Tổ chức thu phí vào năm 2024 là quá sớm. Nếu có thu cũng phải có cách thu như vào giờ cao điểm, đối tượng thu cũng phải khác nhau. Ngoài ra, phải giãn cách đến khi hạ tầng tốt hơn, phương tiện công cộng tốt hơn, mức sống của người dân tốt hơn", TS Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.
Giai đoạn thí điểm sẽ thu phí tại một số trục chính bằng cách bố trí 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn, có nguy cơ ùn tắc giao thông. Sau khi thí điểm có hiệu quả, thành phố tiếp tục từng bước mở rộng vùng thu phí.
Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030), mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Giai đoạn 3 (sau năm 2031), mở rộng vùng thu phí bờ Bắc sông Hồng, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn