Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị, đóng góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường không khí. Nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng, làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp những năm trở lại đây.
Hiện nay, việc kiểm soát khí thải định kỳ ở Việt Nam mới chỉ được thực hiện trên phương tiện ô tô. Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), đến hết năm 2022, tổng số lượng xe máy ở Việt Nam đạt khoảng 72 triệu chiếc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 1,2 triệu xe máy được bán ra ở Việt Nam. Như vậy, có một số lượng rất lớn nguồn phát thải ra môi trường.
Vì vậy, trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, mới đây, Bộ Công an đã đề xuất đưa xe máy vào nhóm các phương tiện cần được kiểm tra khí thải định kỳ để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Theo dự thảo, xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải kiểm định về khí thải. Việc kiểm định được thực hiện tại các trạm kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Đề xuất trên được đánh giá là hoàn toàn mới so với quy định hiện hành. Nếu được thông qua, chính sách này sẽ có phạm vi tác động rất lớn.
Đây không phải lần đầu tiên mà đề xuất kiểm định khí thải đối với xe máy được đưa ra để lấy ý kiến. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ý kiến này ra để thảo luận trong dự thảo Luật Đường bộ. Thời điểm đó, Bộ Giao thông Vận tải đã dẫn báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 cho thấy, phát thải khí thải từ xe cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đô thị, trong đó, xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, việc kiểm định khí thải đối với xe máy sẽ khiến chủ xe phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho xe. Tuy nhiên, chủ xe sẽ giảm chi phí sửa chữa, giảm chi phí nhiên liệu, tăng tuổi thọ xe…
Cụ thể, Bộ này đã dẫn lại tính toán dự án nghiên cứu thực trạng phát thải của xe máy đang lưu hành hướng tới kiểm soát khí thải, góp phần cải thiện môi trường không khí năm 2018 cho thấy, để đạt điều kiện khí thải, chủ xe máy phải chi khoảng 110.000 đồng/xe/năm để bảo dưỡng, thay thế phụ tùng (như lọc gió, lọc dầu…); chi phí kiểm định khoảng 35.000 đồng/lần/năm.
Đổi lại, nhờ xe vận hành tốt, chủ xe tiết kiệm được khoảng 7% nhiên liệu, tương đương hơn 170.000 đồng/năm…
Khi được hỏi, một số ý kiến tỏ ra đồng tình với đề xuất này. Tuy nhiên, điều mà họ mong muốn là quy trình phải nhanh chóng, tránh gây phiền hà cho người dân và quan trọng là không tái diễn tình trạng ùn tắc khi đi kiểm định. "Tôi đồng tình với việc kiểm định khí thải định kỳ đối với xe máy.
Điều này có thể sẽ giúp giảm thiểu một phần tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc kiểm định cũng sẽ giúp hạn chế các phương tiện đã quá cũ kỹ, không đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, với số lượng xe máy rất lớn như ở Việt Nam, liệu rằng cơ quan chức năng có kham nổi", chị Trần Thị Trang (27 tuổi, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn.
Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, cho biết ông đồng tình với đề xuất kiểm định khí thải của xe mô tô, xe gắn máy bởi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng, việc làm trên cần có lộ trình. Vị chuyên gia này cho biết, nhiều quốc gia phát triển đã thực hiện kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe máy từ lâu.
Trong khi đó, ở Việt Nam, việc kiểm định khí thải đối với xe máy mới chỉ dừng lại ở việc để xuất, lấy ý kiến. Ông Thủy đề nghị cơ quan soạn thảo luật nên có bộ tiêu chí nhằm xác định xe nào phải kiểm định, xe nào không. Bởi lẽ, với số lượng xe máy cực lớn như hiện nay, việc triển khai kiểm định đồng loạt là khó khả thi, tốn kém.
Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng, cơ quan chức năng nên kiểm định khí thải đối với những xe máy cũ nát, có thời gian sử dụng đã lâu, nhả khói đen (xây dựng tiêu chí cụ thể). Bên cạnh đó, việc kiểm định có thể triển khai thí điểm ở một số tỉnh, thành để đánh giá thực tiễn, sau đó mới tính toán nhân rộng.
Ngoài ra, cũng theo ông Thủy, cơ quan chức năng có thể cân nhắc áp dụng quy định theo đặc thù của từng địa phương như tập trung vào các thành phố có mật độ dân cư cao, thường xuyên ùn tắc, kẹt xe… (tính toán quy mô dân số), thay vì áp dụng trên cả nước.
Xe máy là phương tiện đi lại và mưu sinh của hàng chục triệu người lao động. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có sự nghiên cứu, đánh giá tác động, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ.
Trong khi đó, kỹ sư Lê Văn Tạch (ở Vĩnh Phúc) băn khoăn về tính khả thi của việc kiểm định khí thải đối với xe máy. "Hầu hết mô tô, xe gắn máy đều sử dụng động cơ xăng và dung tích xilanh thường khá nhỏ (trung bình khoảng 100 cm3, tương đương khoảng 5% tổng dung tích xilanh của một chiếc xe ô tô phổ thông). Trong khi đó, quãng đường trung bình một xe mô tô, xe gắn máy đi trong một năm thường ít hơn nhiều so với quãng đường trung bình một chiếc ô tô di chuyển.
Bên cạnh đó, hầu hết các động cơ xe mô tô, xe gắn máy đều là loại hút nạp khí tự nhiên nên động cơ thường khá bền. Do vậy, tuổi thọ của động cơ mô tô, xe gắn máy thường khá dài và nó có thể hoạt động ổn định trong hàng chục năm nếu được bảo dưỡng định kỳ", ông Tạch lý giải.
Theo ông Tạch, thay vì nguồn lực để xây dựng các trung tâm kiểm định khí xả xe mô tô, xe máy, cơ quan chức năng nên ưu tiên phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ phương tiện về lợi ích của việc bảo dưỡng định kỳ cho các phương tiện xe cơ giới. Ông Tạch cho rằng, nếu làm được điều này thì không những giảm thiểu được khí thải độc hại mà còn kéo dài tuổi thọ của phương tiện, cũng như giảm nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn