Từ xa xưa, gừng đã là vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền. Đồng thời, loại củ giá rẻ này còn là bảo bối làm đẹp cho các chị em phụ nữ. Cách dùng gừng đơn giản, ít tác dụng phụ, vừa tốt cho sức khỏe và làm đẹp chính là pha nước uống hoặc còn gọi là trà gừng.
Cách làm loại đồ uống này cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn chỉ cần rửa sạch gừng, tốt hơn là để cả vỏ vì nó được cho là chứa nhiều tinh dầu, chất chống oxy hóa. Nhưng một số người thích cạo vỏ đi vì cảm giác sạch sẽ và đẹp mắt, vị dễ uống hơn, điều này cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới công dụng.
Sau đó, cắt lát mỏng hoặc đập dập vừa phải. Có thể làm theo hai cách: Một là bỏ vào nước nóng ngâm 10 phút rồi uống hoặc là đun sôi cùng nước trên bếp khoảng 3 - 5 phút.
Trà gừng dễ làm nhưng mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, làm đẹp (Ảnh minh họa)
Bạn có thể thêm 1 chút mật ong hoặc đường nâu, nhưng cần kiểm soát để tránh hấp thụ nhiều đường, phản tác dụng. Ví dụ như một cốc nước/trà gừng 350ml nên cho 4 - 6 lát gừng nhưng chỉ cho khoảng 1/4 thìa cà phê đường nâu hoặc 1/2 thìa mật ong.
Với người đường huyết cao thì tốt nhất là giảm xuống nữa hoặc uống nước gừng nguyên chất. Cũng nên thưởng thức trà gừng khi còn nóng, uống chậm và thư thái vào mỗi buổi sáng hoặc vào buổi tối để đạt được hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe.
Dù cách làm đơn giản nhưng trà gừng mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, làm đẹp. Đặc biệt là đối với chị em phụ nữ.
Tăng cường miễn dịch, phòng bệnh hô hấp
Gừng có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch, từ đó giúp chống lại một số bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn. Gừng chứa vitamin C, B6, magie cùng một lượng nhỏ sắt và canxi. Theo các nghiên cứu, hợp chất phenol trong gừng mang lại đặc tính chữa bệnh, giúp phòng các bệnh mùa đông như bệnh đường hô hấp bao gồm ho, cảm lạnh, nhiễm trùng họng, thở khò khè…
Hạ đường trong máu
Trà gừng có thể là vũ khí bí mật giúp giữ cho lượng đường trong máu tối ưu, thời điểm uống tốt nhất là buổi sáng. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có thể giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường chỉ với 12 tuần tiêu thụ gừng hằng ngày.
Bởi gừng giàu kẽm, giúp thúc đẩy quá trình tiết insulin. Bên cạnh đó, gừng còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, tốt hơn hết nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Phòng ngừa ung thư
Uống trà gừng mỗi ngày là một cách bạn có thể giúp ngăn ngừa ung thư được các chuyên gia khuyến nghị. Do gừng chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C và các chất dinh dưỡng như kali để chống lại chứng viêm và bệnh tật nói chung, kể cả ung thư.
Trong các nghiên cứu, gừng có hiệu quả nhất trong chống lại ung thư tuyến tụy và ung thư đại trực tràng.
Chất chống oxy hóa của gừng được cho là có nhiều ở phần vỏ, không nên bỏ (Ảnh minh họa)
Tốt cho tiêu hóa
Gừng hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện sức khỏe đường ruột. Vì gingerol là hợp chất hoạt tính sinh học chính có đặc tính làm giãn cơ nên nó có lợi cho những người bị trào ngược acid, khó tiêu hoặc khó chịu ở dạ dày khi dùng vừa phải.
Các nghiên cứu phát hiện ra rằng gừng có tác động tích cực đến lượng thời gian tiêu hóa thức ăn của một người cũng như chứng rối loạn nhịp tim, một chứng rối loạn làm suy yếu sự di chuyển của thức ăn qua hệ thống tiêu hóa.
Giảm đau bụng kinh
Trà gừng ngoài tác dụng làm ấm tử cung, giảm đau, tăng cường lưu thông máu nên rất có hiệu quả trong giảm đau bụng kinh. Trên thực tế, việc xem xét bằng chứng từ sáu thử nghiệm khác nhau cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa gừng và NSAID, chẳng hạn như aspirin hoặc ibuprofen, trong điều trị đau bụng kinh, mặc dù cần nghiên cứu thêm.
Tốt cho não bộ
Gừng có tiềm năng "bảo vệ sức khỏe não bộ khỏi stress oxy hóa", một lợi ích mà bằng chứng từ các nghiên cứu khoa học đã chứng minh. Căng thẳng oxy hóa là tình trạng có thể xảy ra khi không có đủ chất chống oxy hóa để loại bỏ sự dư thừa các gốc tự do trong cơ thể.
Điều này có thể dẫn đến tổn thương tế bào và mô. liên quan đến các bệnh thoái hóa như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson. Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của gừng có thể góp phần làm giảm căng thẳng oxy hóa cũng như các dấu hiệu viêm.
Giảm căng thẳng, ngủ ngon hơn
Gừng có tác dụng làm dịu tâm lý, có thể làm giảm căng thẳng, an thần. Cùng với việc ổn định tinh thần, trà gừng còn tăng cường khả năng giữ ấm, giảm đau nhức, chữa lạnh tay chân, đẩy nhanh tiêu hóa ở dạ dày nên giúp dễ đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ sâu giấc hơn.
Bảo vệ tim mạch
Trà gừng rất giàu vitamin, khoáng chất và axit amin có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu. Đồng thời có thể ngăn ngừa mỡ tích tụ trong động mạch, hạ huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ hoặc bệnh tim nhờ tính nóng và chứa một số chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Đặc biệt, gừng có chứa các hoạt chất gingerols và shogaols giúp hỗ trợ các hoạt động sinh học để giảm mỡ máu.
Giảm cân
Tác dụng giảm cân của gừng được cho rằng có thể do nhiều cơ chế phối hợp như tác dụng đẩy nhanh quá trình trao đổi chất tổng thể của cơ thể và kích hoạt quá trình phân hủy lipid, kết hợp việc kích thích quá trình sản xuất men tiêu hóa…
Tuy nhiên, để hiệu quả giảm cân được rõ rệt nên ta cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng với lối sống năng động và rèn luyện vận động mỗi ngày. Một số thí nghiệm trên chuột đã chứng minh rằng gừng có thể giúp ngăn ngừa béo phì và các biến chứng liên quan đến bệnh béo phì.
Uống trà gừng còn giúp giảm cân, dưỡng da và tóc, tốt cho răng miệng (Ảnh minh họa)
Dưỡng da, chống lão hóa
Gừng rất giàu các chất chống oxy hóa có tác dụng tăng cường lưu thông máu và giảm bớt độc tố. Như vậy ngoài tăng cường khí huyết, khiến da trắng hồng còn làm chậm lão hóa da. Ngoài ra, đặc tính kháng viêm mạnh của gừng còn giúp làm sạch sâu, ngừa mụn và giảm mụn. Nó cũng có thể “cứu” làn da bị tổn thương do cháy nắng, bỏng nhẹ.
Tốt cho tóc và da đầu
Gừng dùng tính chất khử trùng của nó để giảm nhiễm trùng da đầu và các vấn đề về gàu. Bạn cũng có thể dùng dầu gừng để giải quyết gàu. Khi được dùng thường xuyên, gừng hỗ trợ cho lưu thông máu trong da đầu, kích thích mọc tóc. Nó cũng tăng cường sự khỏe mạnh, sáng bóng của tóc vì hồi phục lại độ ẩm đã mất. Với tác dụng của các chất dinh dưỡng như phốt pho, kẽm, vitamin, gừng cải thiện tình trạng tóc khô, chẻ ngọn.
Tốt cho răng miệng
Các đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn của gừng tiêu diệt vi trùng có hại và do đó, ngăn ngừa sâu răng. Do đó, sử dụng gừng hằng ngày hỗ trợ giảm mảng bám và tăng cường nướu răng. Hoạt chất chính trong gừng, raffinose, còn giúp làm dịu các cơn đau răng.
Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với một số người, gừng có thể làm vấn đề trào ngược axit nặng hơn, khiến chứng ợ chua càng nặng hơn.
Những lưu ý khi dùng trà gừng:
- Không nên bỏ quá nhiều gừng hoặc đun nóng quá lâu.
- Không uống trà khi quá nóng (trên 60 độ C) hoặc lạnh dưới 20 độ C.
- Không nên uống quá nhiều trà gừng, nhất là vào buổi tối.
- Một số người không nên uống trà gừng như: viêm loét dạ dày - tá tràng, bệnh gan, bệnh sỏi mật, người hay bị xuất huyết, bệnh tim mạch nặng, phụ nữ mang thai nửa cuối thai kỳ…
- Không dùng gừng đã dập nát, nấm mốc, thối hỏng - ngay cả sau khi cắt bỏ phần bị hư hỏng.
- Trẻ em nên hạn chế uống trà gừng và khi pha nên giảm bớt lượng gừng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn