Đền Cẩu Nhi - chốn tâm linh với những giai thoại tưởng đã bị lãng quên giữa lòng Hà Nội

23:48 | 21/10/2022;
Đền Cẩu Nhi nằm ngay bên hồ Trúc Bạch, nhưng không dễ để biết về di tích này nếu như bạn không thực sự hiểu Hà Nội.

Hà Nội là vùng đất của những câu chuyện cổ xưa, níu chân người ta cũng bằng chính cái nét xưa ấy.

Đền Cẩu Nhi trầm mặc bên đường Cổ Ngư đã hơn nghìn năm là một trong những nơi ẩn chứa những câu chuyện nhuốm màu huyền tích như vậy. 

Đền Cẩu Nhi - Chốn tâm linh ấp ủ những giai thoại tưởng đã bị lãng quên - Ảnh 5.

Đền Cẩu Nhi nằm giữa hồ Trúc Bạch, Hà Nội.

NGÔI ĐỀN ĐỘC ĐÁO ÍT ĐƯỢC BIẾT ĐẾN

Mặc dù đã tồn tại từ lâu, nhưng trong chính sử, ngôi đền Cẩu Nhi không được nhắc tới nhiều. Đã có thời gian, người ta tranh cãi nên để hay bỏ đền này. Người Việt xưa kia quan niệm “vạn vật hữu linh”, nhất là khi liên quan đến những câu chuyện huyền sử, dựng nước và giữ nước lại càng được người dân thấm thía.

Nhưng thời gian trôi đi, nhiều thứ bị vùi lấp, phai mòn, chẳng hạn như tục thờ Thần Chó (chó đá, chó gỗ) của người Việt xưa. 

Đền Cẩu Nhi - Chốn tâm linh ấp ủ những giai thoại tưởng đã bị lãng quên - Ảnh 2.

Ảnh tư liêu: Đền Cẩu Nhi xưa

Trải qua sự biến cố của lịch sử, những tàn tích cũ đã dần phai mờ nhưng việc đền Cẩu Nhi vẫn tồn tại là minh chứng rõ nét cho dấu ấn của dã sử trong văn hóa và đời sống của người Hà Nội. 

Dã sử tạo nên bởi những mẩu chuyện chắp vá và đôi khi gây tranh cãi, nhưng đền Cẩu Nhi vẫn ở đó giữa hồ Trúc Bạch, ôm ấp trong mình một phần lịch sử của mảnh đất kinh kỳ.

Trong cuốn Lịch sử Hà Nội, Philippe Papin (một nhà sử học người Pháp, tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đặc biệt về lịch sử Hà Nội) đã nhắc tới những điềm lành về việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Chẳng hạn như theo Đại Việt sử ký toàn thư, người ta đã nhìn thấy một con chó cái trong làng đẻ ra một chú chó con lông trắng muốt với những đốm đen tạo thành hai chữ “Thiên Tử”. Sau này, trong Tây Hồ chí của Dương Bá Cung (1794-1868) có nhắc trên đường đến Đại La, Lý Thái Tổ lại thấy một con chó cái lông trắng có chửa bơi qua sông Hồng đến gò Khán rồi sinh ra một chú chó con. Trích mục “Núi sông” của Tây Hồ chí có ghi rõ rằng: “Thần Cẩu Nhi là con Cẩu Mẫu, triều Lý miếu thờ ở bãi Châu Chữ (bến Châu) phía Tây Bắc hồ, thời Hậu Lê gọi là chùa Trúc Bạch. Trên có Miếu Chó thần Cổ Nhi dựng từ triều Lý. Nay hãy còn”. 

Đền Cẩu Nhi - Chốn tâm linh ấp ủ những giai thoại tưởng đã bị lãng quên - Ảnh 3.

Ảnh tư liệu: Đền Cẩu Nhi xưa

Khi nhắc đến Núi Khán, sách có viết: “Hai ngọn liền nhau, ở phía Nam hồ, góc Tây nội thành. Trên có miếu Cẩu Mẫu (mẹ chó thần) của triều Lý. Trước khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, ở chùa Thiện Tâm trên núi Ba Tiêu - châu Bắc Giang có một con chó trắng mang thai vượt sông trên núi Khán sinh một con. Người người lấy làm lạ. Đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi đều hóa. Vua nghe chuyện, bảo đó là Phúc Thần, bèn cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi ở dưới hồ thuộc địa phận làng Trúc Yên”.

Mặc dầu hiện tại mọi người thường gọi là đền Cẩu Nhi, nhưng cũng khá bất ngờ khi tìm đến đền Cẩu Nhi bằng Google Maps, trên bản đồ vẫn sẽ hiện chữ Miếu Cẩu Nhi.

Thần tích trong Ngọc phả cổ lục còn ghi chép về tục thờ “Thần Khuyển”. Mẹ vua Lý Thái Tổ tên Phạm Thị Trinh, khi đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mộng thấy Thần Chó Đá rồi mang thai mà sinh ra Lý Công Uẩn. Năm Lý Công Uẩn ra đời, cũng là năm Giáp Tuất 974. 

Đặc biệt, theo gia phả dòng họ Lý được Vũ Tuấn Sán nêu trong “Góp thêm tài liệu về việc định đô Thăng Long và gốc tích Lý Thường Kiệt” đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử năm 1965 có viết khi đã lên ngôi, ông lại mơ thấy một con chó cái khổng lồ, bụng to lặc lè, chạy từ phương Bắc đến chùa An Xá và đẻ ra tám chú chó con, tượng trưng cho tám vị vua triều Lý sau này.

Đền Cẩu Nhi - Chốn tâm linh ấp ủ những giai thoại tưởng đã bị lãng quên - Ảnh 4.

Ảnh tư liệu: Bia đá trước khi được phục dựng

Thêm vào đó, trong Hà Nội nghìn xưa nhắc đến những huyền thoại này cũng linh ứng với các sự kiện trong thực tế đó là Lý Công Uẩn sinh năm 974, tuổi Giáp Tuất. Năm 1010 dời đô cũng là năm Canh Tuất. Hơn nữa, theo dân gian triều Lý truyền rằng nơi chó cái sinh con là nơi đất lành. 

Cuốn Lịch sử Hà Nội cũng nhắc đến rằng nơi đây còn có tục lệ chôn xương chó theo người để bảo vệ linh hồn người chết dưới nơi chín suối. Có lẽ vì thế mà trong ngày tế lễ kinh thành, người ta tế thần một chú chó con. Lễ tế ấy được thực hiện ở đền Cẩu Nhi bên bờ hồ Trúc Bạch.

Ngày nay, nhiều gia đình cũng đặt tượng chó đá trước nhà với ngụ ý xua đuổi tà ma nhiễu nhương, bảo vệ bình an cho gia chủ. Đó là học theo tục xưa từ sử cũ chứ không phải thói phong thủy ngoại lai nào cả.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn trong Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX có nhắc đến di tích lịch sử gần đường đê Yên Phụ “ở bên phải, trên một gò nhỏ giữa hồ Trúc Bạch có đền Cẩu Nhi. Đền này có từ thời vua Lý Thái Tổ (đầu thế kỷ XI), khởi thủy ở cạnh núi Nùng trong Hoàng thành, khi xây lại thành sau này mới chuyển bài vị thờ thần ra đây. Về sau những người coi đền và người đến lễ bái chỉ biết là đền thờ Thuỷ Trung Tiên (bà tiên dưới nước)".

Điều này cũng phần nào làm rõ hơn sự tranh cãi gò nhỏ trên hồ Trúc Bạch thờ ai? Mẫu Thoải, Thần Cá hay thờ Cẩu Nhi (con chó con)?

Năm 1982, đền Cẩu Nhi bị phá đi để làm chỗ sản xuất của một hợp tác xã. Đến năm 1985, mọc lên “quán ăn Cổ Ngư” có sàn nhảy đầm, là nơi giải trí lúc bấy giờ. Người ta còn tổ chức đám cưới tập thể ở đấy nữa.

Thời gian như bóng câu trôi qua thêm, bãi bể nương dâu nhiều nơi xưa đã lùi vào dĩ vãng nhưng những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian vẫn chứa đựng cốt lõi sự thật trong đó. Màu sắc dân gian ấy không chỉ nhuốm màu cổ xưa cho đền Cẩu Nhi mà còn cho thấy tục cổ vẫn tồn tại trong đời sống tâm linh của bao đời.

Đền Cẩu Nhi - Chốn tâm linh ấp ủ những giai thoại tưởng đã bị lãng quên - Ảnh 7.

ĐỀN THỦY TRUNG TIÊN

Những ngày cũ ấy, muốn ra được đền Cẩu Nhi cần đi xuồng, đi thuyền. Ngày nay, đã có chiếc cầu đá bắc qua, đền nhỏ được cây cối bao phủ um tùm. Nếu đi nhanh trên con đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên bây giờ), người ta thường mải mê quay về nhìn ánh mặt trời phía bên kia hồ Tây, đôi khi sẽ không nhìn thấy ngôi đền nhỏ án ngữ nằm bên góc hồ Trúc Bạch.

Đền Cẩu Nhi xưa nay đã được khoác lên mình tên gọi mới là đền Thủy Trung Tiên. Đây là thành quả sau quá trình phục dựng dự án sau nhiều năm trì hoãn. Đền Thủy Trung Tiên nằm trên gò đất nổi trên mặt hồ từng gây ra nhiều tranh cãi khoa học giữa các nhà lịch sử lẫn nhà nghiên cứu văn hóa về việc thực sự có tồn tại ngôi đền thờ Thần Cẩu hay không khi trước đó nơi này thờ Thần Cá và Mẫu Thoải (Bà Chúa Nước). 

Đền Cẩu Nhi - Chốn tâm linh ấp ủ những giai thoại tưởng đã bị lãng quên - Ảnh 9.

Tuy nhiên, dấu ấn về đền Cẩu Nhi xưa vẫn rõ nét khi ngay từ trước cầu đá vào đến trong đền Cẩu Nhi, du khách vào thăm sẽ nhìn thấy ít nhất khoảng 4 cặp chó đá: Trước cầu đá, sau cổng Tam quan, trước cửa đền và trước bia đá trong đền.

Đền Cẩu Nhi - Chốn tâm linh ấp ủ những giai thoại tưởng đã bị lãng quên - Ảnh 10.

Kiến trúc đền được phục dựng theo phong cách thời Lý, cây cầu bằng đá xanh chạm nổi rồng phượng cùng các bức phù điêu nhiều họa tiết nối đường Cổ Ngư xưa (đường Thanh Niên nay) vào đền nhỏ được bao bọc xung quanh bằng nhiều cây cổ thụ trên gò. Cây cầu dài 18m gồm 5 nhịp cầu, mỗi nhịp dài 3,6m, rộng 2,25m. 

Được phục dựng lại dưới dáng dấp của ngôi chùa cổ, mọi chân nến, chông, tượng thờ trong đền đều được chế tác bởi các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng bên hồ Trúc Bạch. 

Mái ngói của cổng tam quan hay đền Cẩu Nhi đều được lợp bằng ngói vảy cá theo lối truyền thống. Diện tích hòn đảo nhỏ xíu này gần 500m2 nhưng bán kính chỉ có 12m phủ rợp bóng cây xanh.

Ngồi ghế đá dưới tán cây sanh phủ rễ mặt hồ, những cơn gió thu mát lạnh thổi thẳng vào lồng ngực, xoa dịu đi những lo toan xô bồ ở ngoài kia.

Tôi có dịp trò chuyện với chú T., nhà gần phía cầu Nhật Tân về thăm đền Cẩu Nhi: “Chú cũng hay ra đền ngồi ngắm cảnh, đón gió lành. Từ khi có thêm cầu đá, việc di chuyển dễ dàng hơn rất nhiều. Chiều chiều, ngồi ở đây mát lắm, cũng có nhiều du khách đến thăm đền, xin khấn, cảm giác rất an yên”

Cuộc trò chuyện của chúng tôi thường bị gián đoạn bởi tiếng con diệc hay con vạc nào đó thỉnh thoảng cứ kêu lên không ngừng. Từ cuộc trò chuyện với chú T. và người trông đền, tôi còn biết có nhiều người đến đây ngoài cầu an còn xin khấn để được thuận đường con cái, mong "xin vía" để có được "chú cún con" khỏe mạnh, may mắn.

TỤC THỜ "THẦN KHUYỂN" TRONG 

TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT

Đền Cẩu Nhi không phải là nơi duy nhất khắc ghi dấu ấn về tục thờ “Thần Khuyển”. Bởi tục đặt chó đá trước cổng đền chùa, nhà cửa rất quen thuộc ở làng quê Bắc Bộ. Trong tín ngưỡng dân gian, chó đá được coi là vật phẩm phong thủy trấn giữ đình chùa miếu mạo, bảo vệ bình an, xua đuổi ma quỷ. 

Đền Cẩu Nhi - Chốn tâm linh ấp ủ những giai thoại tưởng đã bị lãng quên - Ảnh 14.

Với bà con nhiều vùng cũng có tục thờ “Thần Cẩu”, như người Tày ở Lạng Sơn, người Nùng ở Cao Bằng thường thờ chó đá trước cửa nhà, gọi là Thần Cẩu Ma-Hin…

Cách không xa đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch, làng Địch Vỹ (thuộc xã Phương Đình) và làng Trung Hiên (thuộc xã Thượng Mỗ), Đan Phượng, Hà Nội, dân làng tôn thờ chó đá như một vị thần, gọi là Quan lớn Hoàng Thạch, Hoàng Thạch Cẩu. 

Tại làng Địch Vỹ, tượng Quan lớn Hoàng Thạch cao khoảng 1,5m, đầu hướng về vùng núi thiêng Ba Vì. Nơi đây coi Quan lớn Hoàng Thạch là vị thần che chở bình an, giúp dân làng xua đuổi hung họa, tà ma, xui rủi. 

Đền Cẩu Nhi - Chốn tâm linh ấp ủ những giai thoại tưởng đã bị lãng quên - Ảnh 15.

Cách làng Địch Vỹ chưa đầy 2km là làng Trung Hiên cũng thường hương khói tượng Thần Cẩu, còn gọi là Hoàng Thạch Cẩu. Hoàng Thạch Cẩu trước được thờ ở gò đất bên gốc đa đầu làng, hiện tại thì Hoàng Thạch Cẩu được thờ trong đình Phù Trung.

Người làng Phổ Trung, Phú Vang, Huế cũng có khám thờ “linh cẩu” ở đầu mỗi xóm và hương khói đều đặn.

Đền Cẩu Nhi - Chốn tâm linh ấp ủ những giai thoại tưởng đã bị lãng quên - Ảnh 16.

Đến Chùa Cầu, Hội An, du khách cũng có thể bắt gặp tượng Linh Cẩu (chó đá) được thờ theo cặp cùng với Thần Hầu (khỉ đá) là linh vật trấn giữ sự an yên cho vùng đất này.


***

Chiều muộn buông xuống, người người dắt díu nhau đi ngắm cảnh nắng thu, dạo vài vòng hồ, đón ánh hoàng hôn. Phía bên kia ven hồ Tây hàng người lớn nhỏ tranh thủ hít cho căng lồng ngực khí thu mát rượi và tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp dưới ánh hoàng hôn.

Hồ Trúc Bạch xưa kia vùng hồ vốn thuộc làng Trúc Yên - làng nghề biên mành trúc, dệt lụa. Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc, hồ an ngụ trên đất làng nên phải chăng cái tên ấy cũng thơ mộng hơn? 

Dưới bóng chiều, những chú vịt "cõng" trên mình các cặp đôi đi khắp hồ Trúc Bạch, chở theo cả những tâm sự, tiếng cười hay thậm chí cả những giọt nước mắt chia xa của họ. Đền Cẩu Nhi ở một góc khiêm tốn, vẫn ngày ngày chứng kiến mọi buồn vui của Hà Nội như thế...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn