Đen móng chân do chạy bộ là một hiện tượng khá phổ biến và thường thấy ở những người luyện tập lâu năm. Với biểu hiện móng chân chuyển sang màu đen, xanh hoặc xám và phần ngón chân dưới móng bị sưng sẽ đem lại một số khó chịu nhất định cho người mắc phải. Vây nguyên nhân của việc này là do đâu và cách khắc phục nó là gì?
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đen móng chân do chạy bộ là khi chạy, bàn chân trượt về phía trước khiến mũi chân và 2 bên bàn chân va đập, ma sát vào giày. Bàn chân liên tục ma sát với giày sẽ làm mỏng lớp da dưới móng chân, từ đỏ tạo ra các vết bầm dưới móng. Các vết bầm này là do lượng máu tụ và chất lỏng dư thừa khiến móng chuyển sang màu đen và sẽ thay đổi dần màu sắc trong quá trình hồi phục.
Bên cạnh đó, việc chọn giày không phù hợp và buộc dây giày không đúng cách cũng có thể làm ảnh hưởng đến bàn chân. Khiến các ngón chân ma sát nhiều với nhau và với giày, từ đó gây nên những vết máu tụ dưới chân làm đen móng chân của bạn.
Nếu tình trạng đen móng chân của bạn không phải đột ngột xuất hiện sau khi tập luyện hay sau khi làm rơi một vật gì đó vào ngón chân. Hãy nghĩ đến nhiễm nấm móng chân và khối u ác tính dưới móng. Những trường hợp này móng chân sẽ không bị đen đột ngột mà chúng xuất hiện từ từ với các triệu chứng khác nhau. Hãy tới cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh và kịp thời nếu bạn gặp những dấu hiệu này.
Tình trạng đen móng chân do chạy bộ không có gì đáng lo ngại và sẽ tự hết theo thời gian. Việc này có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để móng chân mới phát triển và thay thế phần bị đen. Lâu dần, phần bị đen sẽ trồi lên nhường chỗ cho phần móng chân khỏe mạnh. Chúng sẽ dần dần dài ra và bạn có thể cắt đi một cách dễ dàng.
Nếu chỗ bị bầm tím bị sưng và đau thì hãy chờ trong vòng 24h, móng sẽ tự xẹp xuống. Thông thường, thời gian để móng chân mới thay thế hoàn toàn là 3 tháng. Phần móng chân mới sẽ gợn sóng một chút, nghĩa là mỏng và dày ở các khu vực khác nhau. Sau từ 4 đến 5 tháng, móng chân của bạn sẽ trở lại bình thường. Để tăng tính thẩm mỹ, phụ nữ bị đen móng chân do chạy bộ cũng có thể sơn móng chân màu đậm để che đi vết bầm tím cho đến khi móng mới mọc ra.
Trong trường hợp sau 1 ngày móng chân vẫn sưng và đau, bạn hãy đến gặp bác sĩ. Nếu khi chạy bộ gặp tai nạn khiến ngón chân bị đè gây bầm tím thì cần kiểm tra để xem có các chấn thương do chạy bộ khác nữa hay không và điều trị kịp thời.
Đôi khi vết máu tích tụ gây sưng và đau nhức, bác sĩ sẽ chọc 1 lỗ nhỏ lên móng để làm giảm áp lực. Thủ thuật này thường được gọi là trephination. Một số người nghĩ rằng nó đơn giản và có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên đây là suy nghĩ sai lầm cần tránh. Tự làm thủ thuật tại nhà có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, hoại tử hoặc tệ hơn, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường.
Để khắc phục tình trạng đen móng do chạy bộ, điểm duy nhất cần lưu ý là giày và tất cần phù hợp với kích thước chân của bạn. Trong quá trình chạy bộ, chân của bạn sẽ to lên 1 size giày, lúc này ngón chân cần có đủ chỗ để tránh hiện tượng ma sát quá nhiều.
Ngoài ra mũi giày cũng cần phải đủ rộng cho các ngón chân, nhưng không được rộng quá mức. Nếu giày quá rộng sẽ khiến ngón chân va đập trong lòng giày gây tím đen. Do đó hãy tới cửa hàng và lựa chọn một đôi giày phù hợp với cỡ chân của mình.
Để tránh tình trạng ngón chân đập vào giày, bạn có thể buộc dây giày theo kiểu khóa gót để chống trượt gót (hay còn được gọi là "heel lock" hoặc "lace lock"). Cách cột dây giày này sẽ đảm bảo cho bàn chân không trượt theo mỗi bước chạy, đặc biệt là khi chạy lên dốc hoặc xuống dốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn