Đến nhà của huyền thoại võ thuật Hoàng Phi Hồng

11:32 | 08/09/2015;
Phật Sơn, thành phố nhỏ thuộc Quảng Đông (Trung Quốc) là trung tâm của nền võ thuật Trung Hoa rực rỡ. 'Trái tim' của Phật Sơn là Bảo Chi Lâm - ngôi nhà của Hoàng Phi Hồng, bậc anh hùng cái thế cả ngoài đời thực và trên phim ảnh.
Sự thật về đòn “vô ảnh cước”
Ước mơ đến với Bảo Chi Lâm xuất hiện trong tôi từ lúc học lớp 2, khi đó tôi từng bị sái chân vì bắt chước đòn "vô ảnh cước" của ông (xem qua tivi). Bảo Chi Lâm giờ không chỉ là nhà riêng của Hoàng Phi Hồng mà đã thực sự trở thành một bảo tàng võ thuật của nền võ học Trung Hoa. Trong khuôn viên Bảo Chi Lâm có cả nhà thờ và những hình ảnh, hiện vật của Diệp Vấn - người con ưu tú của đất Phật Sơn vì tay không giết chết những võ sĩ “không thủ đạo” của Nhật mà bị hãm hại, phải trốn sang Hồng Kông. Tại đây, ông chính là người thầy đã biến một cậu bé lêu lổng hay gây sự trở thành tượng đài bất tử của võ thuật Trung Hoa và thế giới: Tài tử điện ảnh - Võ sư Lý Tiểu Long.

Di ảnh Hoàng Phi Hồng. Ảnh: Nam Hải

Đến Bảo Chi Lâm bây giờ, du khách không chỉ được tiếp xúc với các di vật liên quan tới "tượng đài võ thuật" nổi danh của Trung Hoa mà còn có dịp xem những màn biểu diễn múa lân, võ thuật siêu việt.
Nói về đòn “vô ảnh cước” nổi danh mới thấy phim “bịa” kinh khủng. Trong các bộ phim, “vô ảnh cước” được diễn viên và kỹ xảo điện ảnh (tất nhiên) thể hiện là bay người lên với những cú đá bằng cả 2 chân, liên tu bất tận vào người đối phương. Nhưng không phải thế, đòn “vô ảnh cước” tuyệt luân được biểu diễn ở Bảo Chi Lâm khác hẳn. Tả nôm na thế này: Tung cú đá bằng 1 chân, uy lực nhưng không hiểm, đối phương hóa giải đòn ấy không khó, song rất mất lực, khi vừa đỡ hoặc né xong, còn chưa định thần thì “ăn” ngay cú đá của chân kia, đó là cú đá mà đối phương không nhìn thấy được (thế mới gọi là "vô ảnh cước"). Hóa ra đòn đầu chỉ là đá “dứ”, đòn 2 mới là đá “thật”. Nói thì dễ nhưng thực hiện thì khó vô cùng, vì cú đá quyết định phải “sút” bằng chân trụ, không có điểm đà, không được sai sót. Đối phương mà tóm được cẳng thì nó lẳng ra ngoài hàng rào!

Trong khuôn viên Bảo Chi Lâm luôn tấp nập khách thăm quan

 
Dấu ấn của một người phụ nữ
Kỳ lạ là sau hàng trăm năm, tục lệ chấp nhận người thách đấu với Bảo Chi Lâm vẫn được áp dụng. Cuối màn múa lân “Sư tử hí cầu”, từ trên cây cột cao vút, 5 quả cẩm tú cầu được tung vào đám đông, ai nhặt được vật đó sẽ được phép thách đấu với các đệ tử Hoàng Phi Hồng tại Bảo Chi Lâm, bất cứ là ai, kể cả trẻ con cũng được tham gia.

Tác giả bên tượng võ sư Diệp Vấn

Nhân vật may mắn ấy sẽ được thắp hương tại bàn thờ của Hoàng sư phụ và được tạo dáng chụp ảnh tại vị trí quan trọng này (thường được khuyến khích tạo dáng theo thế võ Hổ hạc song hình quyền). Tôi đã may mắn có được quả cẩm tú cầu ấy. Sau lo lắng ban đầu là sự vui vẻ bao trùm lên những người đi thách đấu, bởi các học trò của Hoàng Phi Hồng khi đấu võ chủ yếu để du khách đấm, đá là chính, sau mỗi cú đòn lại bật tung người như bông, cứ như cú ra đòn có sức mạnh “khai sơn, phá thạch” vậy.
Bảo Chi Lâm được như ngày nay là nhờ tài năng và lòng tận tụy của bà Ma Quế Lan (vợ thứ tư của Hoàng sư phụ, nguyên mẫu của dì Mười Ba trong phim). Bà Quế Lan sinh năm 1892 tại Quảng Châu, sống tròn 90 tuổi (mất năm 1982).

Phần giới thiệu về bà Quế Lan, vợ thứ 4 của Hoàng Phi Hồng, nguyên mẫu nhân vật dì Mười Ba trong phim

Một lần, trong cuộc diễn võ, chiếc giày của Hoàng sư phụ bị tuột ra và bất ngờ bay vào mặt một cô gái. Lúc ấy họ Hoàng đã nổi danh là bậc anh hùng cái thế. Cô gái Quế Lan khi đó 19 tuổi đã làm một việc không thể hay hơn vì muốn chiếm được tình yêu của người anh hùng, đó là leo thẳng lên võ đài cho Hoàng Phi Hồng 1 cú bạt tai nổ đom đóm mắt cùng câu quát: “Nếu chiếc giày là vũ khí thì sao?”.
Hoàng Phi Hồng không hổ danh là bậc anh hùng cũng làm một việc không thể hay hơn của một kẻ đại trượng phu trong tình huống tương tự: Xin cưới luôn Quế Lan trên võ đài.

Em bé A Phong (5 tuổi) "thách đấu" với hậu bối của Hoàng Phi Hồng

Bà Quế Lan là người sáng tạo ra chiêu thức “Hương Lân quá giang” nức tiếng. Bà cho sắm 1 bộ đồ múa lân khác lạ: Đó là 1 con lân yểu điệu thục nữ, màu sắc trang nhã, khuôn mặt thanh thoát, đáng yêu. Hương Lân với người múa là nữ nên có lợi thế linh hoạt mềm dẻo, lại có phục sức và cách múa điệu đàng đã tận dụng tối đa lợi thế của mình trong các cuộc thi tài. Đến tận bây giờ, nhìn tuyệt kỹ “Hương Lân quá giang” được biểu diễn ở Bảo Chi Lâm, tôi vẫn rợn tóc gáy. 2 người đứng trên vai nhau nhảy vọt qua 3 cọc gỗ cao 3m, ngã xuống thì tan xương. Khi chạm đích, đầu Hương Lân cúi xuống gần sát mặt đất rồi mới mềm mại ngẩng lên.

Màn biểu diễn “Hương lân quá giang” độc đáo và mạo hiểm

Bảo Chi Lâm sau sự kiện bi thảm năm 1924 (bị đốt phá, thiêu rụi) trở nên tan hoang nhưng bà Quế Lan lại tiếp tục tạo dựng việc buôn bán, sau đó xây dựng lại nguyên trạng cơ ngơi như khi chồng còn sống, để Bảo Chi Lâm lúc nào cũng nằm trong số 4 hiệu thuốc lớn nhất của Quảng Đông. Bà cũng là người lập ra quỹ võ thuật Hoàng Phi Hồng với nguồn thu chủ yếu dựa vào những hoạt động thương mại của nhà lưu niệm Bảo Chi Lâm. Từ nguồn quỹ này, đã có 1 trường giáo dục thể chất mang tên Hoàng Phi Hồng và Hiệp hội Võ thuật Quốc gia Hoàng Phi Hồng được thành lập.

Hoàng Phi Hồng sinh năm 1847 tại làng Lộc Đan, phủ Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông mất năm 1924 tại nhà thuốc Bảo Chi Lâm (nay là Bảo tàng Hoàng Phi Hồng) ở Phật Sơn, bên dòng Châu Giang.
 
* Đi bằng máy bay khoảng 6 triệu đồng/vé khứ hồi Hà Nội - Quảng Châu. Tiếp đó bắt tàu điện ngầm 20 tệ (70 nghìn VNĐ) là đến được Phật Sơn. Bảo Chi Lâm nằm ngay cạnh ga tàu điện ngầm. Nếu đi bằng ô tô từ Lạng Sơn sang Trung Quốc thì rẻ hơn nhiều (vé Lạng Sơn - Quảng Châu gần 1 triệu đồng).
* Đến Bảo Chi Lâm, bạn có thể bốc thăm để được mua 1 trong 4 hiện vật liên quan đến Hoàng Phi Hồng lúc sinh thời: 2 hòn đá tròn để tập bàn tay, chuỗi hạt đá đeo tay, chiếc quạt bằng lụa trắng và dải lụa buộc trán (để mồ hôi không chảy xuống mắt khi đấu võ) cùng 1 bản chứng nhận “Có đóng góp đặc biệt cho quỹ võ thuật Hoàng Phi Hồng”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn