Đền Quan Hoàng Bảy trên dãy Hoàng Liên Sơn: Nhiều thắc mắc trước cách xử lý của cơ quan chức năng

15:03 | 29/07/2023;
Một ngôi đền "bỗng dưng mọc lên" bất ngờ, chỉ đến khi báo chí vào cuộc, nhiều sai phạm mới được phanh phui. Thế nhưng, cách xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu lại khiến dư luận còn nhiều thắc mắc.

Chưa rõ cơ quan nào cấp phép xây đền

Đi sâu tìm hiểu vụ việc, phóng viên Báo PNVN không hiểu trách nhiệm chính trong vụ việc này, nằm ở cơ quan nào.

Ngày 28/7/2023, UBND tỉnh Lai Châu đã phát hành bản Thông cáo báo chí, để thông tin về vụ việc liên quan công trình đền thờ Quan Hoàng Bảy trên đỉnh Hoàng Liên Sơn. 

Theo đó, UBND tỉnh thông tin cho biết: "Dự án Du lịch Thác Trắng đèo Hoàng Liên Sơn (tên thường gọi là Khu du lịch cầu kính Rồng mây) do Công ty Cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn thực hiện, được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 31/3/2017, gồm nhiều hạng mục công trình, trong đó có hạng mục công trình xây dựng khu tâm linh. Quá trình doanh nghiệp thực hiện đầu tư các hạng mục công trình (bao gồm cả khu tâm linh) đã được cơ quan quản lý chuyên ngành về xây dựng thẩm định theo quy định của Luật xây dựng". 

Thông cáo báo chi

Thông cáo báo chi

Tuy nhiên, ở Bản Thông cáo này, UBND tỉnh Lai Châu chưa đưa ra các hồ sơ tài liệu liên quan tới công trình xây dựng đền trên núi Hoàng Liên Sơn. Bởi theo quy định thì việc xây dựng công trình tôn giáo tín ngưỡng bắt buộc phải được cơ quan chức năng cấp phép, hoặc đồng ý bằng văn bản. 

Theo Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư Hà Nội: Đối với các cơ sở tín ngưỡng dân gian như: Đình, đền, miếu, nhà thờ Từ đường, nhà thờ họ… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa thì việc cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền xem xét của UBND huyện, thị xã hoặc Sở Xây dựng tùy theo cấp của công trình.

Như vậy, cho đến nay, dư luận vẫn chưa thể biết được công trình đền thờ Quan Hoàng Bảy trên dãy Hoàng Liên Sơn đã được cấp phép hay chưa, đây là điều mà dư luận vẫn đang chờ UBND tỉnh Lai Châu làm rõ. 

Đền Quan Hoàng Bảy trên đỉnh Hoàng Liên Sơn

Đền Quan Hoàng Bảy trên đỉnh Hoàng Liên Sơn

Nhiều cơ quan “ém” thông tin?

Quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên phát hiện Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn, đã có văn bản số 26 CV/2022-HLS, ngày 21/6/2022, về việc đề nghị khảo sát xếp hạng di tích cho đền Quan Hoàng Bảy trên dãy Hoàng Liên Sơn. 

Văn bản này được gửi tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Tam Đường và Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tam Đường.

Đáng nói, trong nội dung đề nghị của văn bản này, có nêu ra nhiều thông tin làm căn cứ xây đền, mang tính sai sự thật, có dấu hiệu xuyên tạc lịch sử, tên địa danh, nhân vật Quan Hoàng Bảy như Văn bản phản ánh của Sở Văn hóa và Thông tin Lào Cai đã gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu.

Văn bản của Công ty Hoàng Liên Sơn

Văn bản của Công ty Hoàng Liên Sơn

Như vậy, từ cách đây hơn một năm, các cơ quan như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, Phòng Văn hóa Thông tin; UBND huyện Tam Đường đã biết về việc Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn đưa ra những thông tin nêu trên về ngôi đền này. Nhưng không hiểu vì lý do gì, các cơ quan này lại không có động thái xem xét thấu đáo và chấn chỉnh nếu có sai phạm. Để rồi, khi doanh nghiệp này tung lên mạng xã hội, quảng cáo rộng rãi ra dư luận, báo chí vào cuộc, thì cơ quan chức năng ở tỉnh Lai Châu mới vào cuộc kiểm tra yêu cầu gỡ bỏ. 

Ở một diễn biến khác, ngày 27/7/2023, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 777/DSVH-DT, về việc làm rõ thông tin Đền Quan Hoàng Bảy trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, theo đó: “Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, Kiểm tra xác minh làm rõ thông tin về việc xây dựng Đền Quan Hoàng Bảy trên khu vực đèo Ô Quý Hồ, thuộc xã Bình Sơn, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, để đề xuất phương án, báo cáo UBND tỉnh Lai Châu xử lý theo quy định.

Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu gửi báo cáo về Cục Di sản văn hóa để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 3/8/2023”.

Văn bản của Cục di sản

Văn bản của UBND tỉnh Lai Châu.

UBND tỉnh Lai Châu cần xử lý triệt để vụ việc

Trong Thông cáo báo chí, UBND tỉnh Lai Châu có nêu: “UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu Công ty Cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn gỡ tất cả các bài đăng giới thiệu về sự tích Quan Hoàng Bảy trên trang Facebook của đơn vị và tháo dỡ tấm bia đá ghi sự tích Quan Hoàng Bảy tại công trình tâm linh trong khuôn viên Khu du lịch cầu kính rồng mây (đến nay Công ty Cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn đã gỡ các tin bài đăng tải sự tích Quan Hoàng Bảy trên trang facebook của đơn vị và tháo dỡ tấm bia đá ghi sự tích Quan Hoàng Bảy tại khu tâm linh); đồng thời chỉ đạo Sở Nội vụ và UBND huyện Tam Đường chỉ đạo UBND xã Sơn Bình và các phòng, ban liên quan của huyện Tam Đường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tín ngưỡng theo đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo”.

Nhiều hòm công đức trong đền Quan Hoàng Bảy (Lai Châu)

Nhiều hòm công đức trong đền Quan Hoàng Bảy (Lai Châu)

Thế nhưng, dư luận cho rằng, nếu như chỉ xử lý việc thông tin sai về nhân vật Quan Hoàng Bảy, mà bỏ qua việc kiểm tra làm rõ cả về cơ sở pháp lý và quy trình xây dựng ngôi đền, có được thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không, thì e là không thuyết phục.

Thiết nghĩ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cần khẩn trương vào cuộc, kiểm tra xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm như trên, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, tránh gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn