ĐH Bách khoa Hà Nội: Có thể dùng tiêu chí phụ để tuyển sinh
Theo ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, sẽ có một số ngành có điểm đăng ký hồ sơ xét tuyển khoảng 18 điểm nhưng sẽ không nhiều ngành có mức điểm này. Đa phần các ngành sẽ lấy mức điểm từ 20 điểm trở lên, thậm chí có những ngành hot, điểm tuyển có thể lên đến 23 hoặc nhích hơn một chút.
Theo ông Tớp, năm nay mặt bằng điểm thi cao hơn năm ngoái. Thí sinh đạt điểm trên 20 thuộc các khối A00, A01, B và D qua phân tích phổ điểm cho thấy tương đối sát điểm ngưỡng vào của trường.
“Ít khi sử dụng tiêu chí phụ nhưng năm nay trường vẫn nghĩ đến khả năng đưa ra hai tiêu chí phụ để tuyển sinh: Ưu tiên tổng điểm 3 môn chưa nhân hệ số và ưu tiên theo nguyện vọng của thí sinh” - ông Trần Văn Tớp cho hay.
Nhiều trường tung điểm chất lượng đầu vào
ĐH Ngoại thương thông báo nhận hồ sơ xét tuyển khối A từ 22,5 điểm, các khối còn lại là 21,5. Cơ sở Quảng Ninh là 18 điểm. Trong những trường đã công bố điểm tuyển, đây là trường đang có ngưỡng điểm đầu vào cao nhất.
ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào trường là 15,5 ở tất cả ngành học - bằng với mức điểm sàn Bộ GD&ĐT công bố.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận hồ sơ với mức điểm tối thiểu từ 18 đến 22,5 điểm tùy ngành. Ngành Kỹ thuật ô tô đang khá nóng với mức điểm tuyển là 22,5 điểm. Mức nhận hồ sơ thấp nhất với một số ngành Kinh tế gia đình, Công nghệ chế biến lâm sản... là 18 điểm.
Các ngành Sư phạm tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, mức điểm nhận hồ sơ lần lượt là 30 và 28 (nhân đôi hệ số môn tiếng Anh).
Một số trường như ĐH Thủy lợi, ĐH Công nghệ thực phẩm TPHCM nhận hồ sơ với mức điểm bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 15,5 điểm.