Trên facebook, ông Tùng viết: 'Từ trên trời rơi xuống, và mang đầy ý nghĩa khoa học. Đó là vật thể "lạ" - rơi ở Tuyên quang vừa qua. Làm thế nào có được vật quý hiếm này để trưng bày trong góc Khoa học Trường ĐH FPT nhỉ? Cũng để ghi nhớ việc ĐH FPT đã từng phóng Vệ tinh mini lên quỹ đạo ngày nào. Có cái này, để cán bộ, sinh viên, học sinh hàng ngày chiêm ngưỡng, hình dung vật này đã qua một lộ trình cam go thế nào trước khi về thường trú tại trường. Có quỹ 100 triệu đồng để làm công việc "chuyển nhượng". Ai giúp được không?'
Trong một bài viết đăng trên website trường ĐH FPT, Tiến sĩ Lê Trường Tùng thêm một lần nữa khẳng định ý định mua vật thể lạ này nhằm mục đích để cho sinh viên nghiên cứu: "ĐH FPT chỉ có ý định chi 100 triệu đồng mua lại một quả cầu - được cho là một phần của tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên quỹ đạo - rơi ở Tuyên Quang, không phải mua cùng lúc cả 2 quả cầu".
TS Lê Trường Tùng chia sẻ ý định mua vật thể lạ trên facebook
Ông Tùng chia sẻ mong muốn có được quả cầu rơi ở Tuyên Quang để trưng bày trong góc Khoa học của trường tại Hòa Lạc: "Quả cầu này nếu để nghiên cứu vật liệu thì chỉ cần một mẩu nhỏ, để bán phế liệu thì thực sự rất phí, nhưng để trưng bày thì không gian tại một trường đại học là một lựa chọn phù hợp".
Trên các diễn đàn xã hội, rất nhiều ý kiến của cộng đồng ủng hộ việc mua lại vật thể lạ của TS Lê Trường Tùng để phục vụ công tác giáo dục. Tài khoản Hoàng Dũng viết: "Ủng hộ trường Đại học FPT đã nhận mua lại vật thể đó và có thể dùng số tiền này để hổ trợ nhân dân chung quanh khu vực có quả cầu". Đặc biệt, cộng đồng mạng quan tâm nhiều đến việc sử dụng số tiền 100 triệu này. Facebooker Tu Quy viết: "Quả cầu này thuộc về những người nông dân - người phát hiện ra chúng. Hy vong chính quyền Tuyên Quang không nhận vơ như cục đá quý ở Kon Tum".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vật thể lạ nên được trưng bầy ở Binh chủng Phòng không - Không quân (đường Trường Chinh) để sinh viên cả nước, chứ không riêng sinh viên ĐH FPT được thăm quan và chiêm ngưỡng.
Về thông tin những vật thể lạ rơi xuống Tuyên Quang và Yên Bái, Thượng Tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho báo chí biết, dù không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng sự việc vừa qua cho thấy các vật thể này có thể uy hiếp đến an toàn hàng không. “Nếu chẳng may rơi trúng hoặc va chạm với máy bay, hoặc các thiết bị khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người dưới mặt đất” - ông nói.
Đoàn công tác thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đang tiến hành xác minh các vật thể lạ (Ảnh: QĐND)
Qua điều tra ban đầu, những vật thể lạ trên được xác định do Nga sản xuất nhưng rất khó tìm ra chủ nhân. Các vật thể này có thể là bình đựng khí nén chuyên dụng của tên lửa đẩy hoặc tàu vũ trụ, khi hết hạn sử dụng thì bị bỏ đi, bay lơ lửng trong không gian, gặp tác động của lực hút trái đất thì rơi xuống mặt đất.
Hiện các cơ quan chức năng đang tổng hợp thông tin để báo cáo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ đó, thông báo đến các quốc gia đang có chương trình, hoạt động nghiên cứu vũ trụ cẩn trọng hơn trong khi tiến hành hủy bỏ các thiết bị đã qua sử dụng.