Các ngành mới gồm: Phân tích kinh doanh, Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh điều hành thông minh, Quản trị chất lượng và đổi mới, Quản trị khách sạn quốc tế.
Trường dự kiến tuyển 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành. Các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nên đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tiếng Anh cơ bản. Khối tuyển sinh ưu tiên các khối có môn tiếng Anh.
Lãnh đạo ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, đây là các ngành học mang tính liên ngành, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số hiện nay. Các ngành mới này được nhà trường xây dựng dựa trên phân tích nhu cầu của thị trường lao động, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và các trường đại học đối tác.
Cụ thể, trước khi mở các ngành, nhà trường đã đánh giá, khảo sát nhu cầu lao đồng. Để đảm bảo sản phẩm đào tạo có thể đáp ứng yêu cầu, Đại học Kinh tế quốc dân đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, mời các doanh nghiệp đến để cùng đánh giá, phân tích, góp ý về chương trình đào tạo để không những mang tính chất liên thông quốc tế mà còn phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Trong khi đó, dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, các ngành liên quan đến xử lý dữ liệu lớn, áp dụng công nghệ mới cho mảng dữ liệu lớn để giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định tối ưu là một trong những mũi nhọn của lao động trong thế kỷ 21. Điều đó đòi hỏi những cách tiếp cận, phương pháp xử lý phải khác với phương pháp truyền thống.
Diễn đàn kinh tế thế giới cũng như nhiều chuyên gia hàng đầu của thị trường lao động đều đánh giá trong một vài năm tới sẽ hình thành một lớp chuyên gia mới, một nguồn nhân lực mới mà các trường đại học phải đáp ứng. Đó là nguồn nhân lực sử dụng kỹ thuật phân tích định lượng trong việc dự báo và phân tích thị trường kinh doanh và sử dụng những bảng dữ liệu lớn.