Chị Lương Liên đang là giáo viên dạy cấp 2 môn Văn ở Nậm Pồ, Điện Biên. Ngoài công việc giáo viên vùng cao, chị còn có nghề tay trái làm bánh để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống mỗi ngày và thỏa mãn đam mê của mình.
Chị Lương Liên.
Chị Liên cho biết, từ khi còn học chuyên nghiệp đã rất thích làm bánh và đồ ăn vặt. Sau khi ra trường công tác, chị lập gia đình và sinh con vào năm 2017 nên niềm đam mê ấy cũng không được thực hiện. Năm 2019 khi con được 2 tuổi nhìn thấy sự hào hứng của con nhỏ khi thổi nến sinh nhật, vậy là tháng nào chị cũng mua cho con một chiếc bánh nho nhỏ để thổi nến. Và đến năm nay khi con được gần 3 tuổi chị mới bắt đầu thực hiện niềm đam mê với bánh của mình.
“Mình có đi học lớp làm bánh cơ bản 1 ngày vì thời gian và điều kiện có hạn rồi về mới bắt đầu làm bánh bán. Có thể nói, niềm đam mê bánh được khơi dậy từ cậu con trai mình, tên gọi ở nhà là Côca. Hiện nay, ngoài bánh kem, mình có làm thêm 1 số món nữa: bánh chuối chiên, bánh bông lan trứng muối, cake chuối... nhưng thích nhất vẫn là bánh kem nhất”, chị Liên chia sẻ.
Những chiếc bánh chị làm, ai ở Điện Biên cũng thích.
Thời gian đầu làm bánh chị Liên gặp khó khăn rất nhiều bởi đồ dùng cho bếp bánh chưa có nhiều, thứ có sẵn duy nhất của chị lúc bấy giờ chỉ là chiếc tủ lạnh. Tuy nhiên, đợt nghỉ dịch COVID-19 ở nhà buồn, tình cờ mua lại được chiếc lò nướng 50 lít, vậy là chị bắt tay vào làm bánh luôn.
Nhờ học lớp cơ bản 1 ngày nên chị Liên cũng tự tin hơn hẳn nhưng cốt bánh đầu tiên của chị sau khi ra lò lại cháy đen thui phải “thủ tiêu” ngay vào thùng rác để làm cái khác. Phải đến lần thứ 2 chị mới làm được cốt bánh thành công. Vì gia đình có truyền thống kinh doanh nên máu kinh doanh cũng ngấm vào chị từ lâu. May mắn nhờ duyên bán hàng nên dù mới làm bánh bán từ khi dịch COVID-19 nhưng chị được khá nhiều người ủng hộ.
“Hiện tại ngoài là giáo viên vùng cao, mình kèm nghề tay trái là làm bếp bánh. Để theo đuổi đam mê, mình cũng phải đánh đổi khá nhiều: thời gian nghỉ ngơi gần như không có, con cái cũng ít có thời gian chơi cùng hơn. Nhưng được cái bé nhà mình ngoan và hiểu chuyện lắm. Còn công việc chính là đi dạy thì bằng mọi giá mình không bao giờ để bị ảnh hưởng. Bếp bánh chỉ xếp thứ 2, hoạt động vào những lúc ngoài giờ hành chính”, chị Liên chia sẻ.
Nguyên liệu làm bánh chị phải nhập hơn 500km từ Hà Nội lên.
Chị Liên chia sẻ thêm, ở khu vực chị sống kinh tế xã hội chưa phát triển cao, giao thông lại không thuận lợi nên khó khăn nhất là vấn đề nhập nguyện liệu làm bánh và giá thành bán ra. Nguyên liệu chị phải vận chuyển hơn 500km từ Hà Nội lên Điện Biên và phải chịu cước khá cao, trong khi đó giá thành bán bánh cho người địa phương ở đây lại không được cao.
Dẫu vậy nhưng chị không bao giờ làm ẩu. Mỗi chiếc bánh chị bán ra giá không cao như các bếp ở đồng bằng nhưng nguyên liệu được lựa chọn rất kỹ cho đến khâu chế biến và thành phẩm. Chị cũng tạo ra những nét riêng cho mình từ chữ viết đến cách phối màu bánh.
Thông thường, chị chỉ lấy công làm lãi. Mặc dù thu nhập không cao nhưng nó cũng đủ để chị trang trải cuộc sống, mua sắm đồ dùng cho con trai, chi tiêu thoải mái hơn, bên cạnh công việc giáo viên.
May mắn nhờ có gia đình ủng hộ, sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình như em trai làm shipper cứng, mẹ phụ dọn dẹp bãi chiến trường, con trai ngồi sau ôm mẹ khi đi ship bánh nên chị có thể chu toàn 2 công việc hiện tại của mình mà không hề bị ảnh hưởng.
Chị Liên cho biết, hiện tại có thể chị chưa có nhiều thứ nhưng chắc chắn chị sẽ luôn làm bánh bằng cái tâm của mình để mọi người ở vùng cao có thể thưởng thức được những chiếc bánh ngon không chỉ đồng bằng mới có. Trong tương lai, chị sẽ phát triển bếp với nhiều món hơn nữa, nhưng chủ đạo vẫn là bánh kem.
Một số bánh chị làm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn