Đi bộ hơn 2.400km rồi đăng ký hiến tạng

15:10 | 13/07/2016;
“Tôi tìm hiểu thì được biết, khi mình chết đi, nhưng vẫn có thể cứu được nhiều nếu hiến tạng, nên đã đăng ký hiến tạng. Ban đầu, mẹ tôi không hiểu và ngăn cản, nhưng khi tôi giải thích về những ý nghĩa cao đẹp nếu hiến tạng thì bà đồng ý”.
Đó là những lời chia sẻ của Trần Hữu Dương (sinh năm 1991, quê huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) khi đến đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối về ghép bộ phận cơ thể người vào sáng ngày 13/7.

Dương hiện đang làm việc tại Đồng Nai. Với mong muốn gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung có hoàn cảnh khó khăn, Dương quyết định thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt. Ngày 15/5/2016, Dương khởi hành từ Năm Căn (Cà Mau). Ngày đi, đêm nghỉ. Những hôm trời nắng nóng, Dương nghỉ ngày và đi vào ban đêm. Chi phí ăn uống của Dương mỗi ngày khoảng 70.000 đồng, ngủ thì xin nhờ nhà dân. Sau hơn 2 tháng, ngày 12/7, Dương đã kết thúc hành trình của mình khi đặt chân đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Tính ra, Dương đã đi bộ hơn 2.400 km. Sáng ngày 13/7, Dương đã có mặt tại Hà Nội để làm thủ tục đăng ký hiến tạng.
20160713_092849.jpg
 Trần Hữu Dương làm đơn đăng ký hiến tạng
Dương biết đến việc hiến tạng là nhờ anh Trần Nguyễn An Khương (quê Cà Mau), người nặng 37kg đạp xe xuyên Việt để đăng ký hiến tạng. Khi đó, Dương tìm hiểu thì được biết, hành động hiến tạng có rất nhiều ý nghĩa, bởi khi mình chết đi vẫn có thể cứu sống được nhiều người bệnh. Vì vậy, Dương quyết định đăng ký hiến tạng. Tuy nhiên, khi Dương nói với gia đình, mẹ không đồng ý bởi bà chưa hiểu nên rất lo sợ. “Tôi phải giải thích rằng, ngành y chỉ lấy tạng của mình khi chết não. Mà chết não thì không thể sống được nữa. Tạng của mình có thể sẽ cứu được tới 7 người, đó là những người đang cận kề cái chết. Nói đi, nói lại nhiều lần, mẹ tôi mới hiểu và đồng ý với việc làm của con”, Dương chia sẻ.
tng.jpg
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc (trái) trao thẻ đăng ký hiến tạng cho Trần Hữu Dương 
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đánh gia cao hành động của Dương. Bác sĩ Phúc hy vọng, hành động của Dương sẽ góp phần tuyên truyền để người dân cùng chia sẻ với ngành y, bởi đây là việc tử tế nên làm.
 
Cũng theo bác sĩ Phúc, tính tới 15/5/2016, cả nước có 4.290 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não và 27 người đăng ký hiến tặng ngay khi còn sống. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày tại BV Việt Đức có 2 người chết não. Mỗi năm, chỉ cần 1/4 số trường hợp chết não trong cả nước đồng ý hiến tạng, sẽ có hàng trăm người được cứu sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn