Đi giúp việc ở Saudi Arabia được đào tạo 'sơ sơ'

15:46 | 11/09/2016;
Tiếp tục có nhiều đơn kêu cứu mới của nữ giúp việc gia đình Việt ở Saudi Arabia gửi về phản ánh tình trạng chủ sử dụng ngược đãi, quỵt lương. Đặc biệt, họ không được đào tạo, chuẩn bị kĩ năng ứng phó cho những tình huống bất trắc nơi xứ người.
nu-giu-viec-gia-dinh-o-a-rap.jpg
 Lao động giúp việc gia đình ở Saudi Arabia (ảnh minh họa)

Gửi đơn kêu cứu tới Báo Phụ nữ Việt Nam, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, SN 30/6/1991, ở Đức Phú, Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, cho biết, chị được công ty Leesco (Công ty CP Dịch vụ Xuất khẩu lao động và Chuyên gia Thanh Hóa tại Hà Nội) đưa đi lao động giúp việc gia đình ở Saudi Arabia từ 4/6/2016. Hằng ngày, chị phải làm việc khoảng 17 giờ/ngày để phục vụ gia đình nhà chủ với 15 người lớn, 10 trẻ em. “Công việc quá nặng nhọc, khiến tôi bị ốm. Xin nằm nghỉ chủ cũng không cho, mà vẫn bắt tôi làm việc”, và không trả lương. Chị Dung cho biết thêm: chủ sử dụng liên tục vi phạm hợp đồng lao động, “tôi gọi điện về công ty đòi đổi chủ thì công ty tắt máy không nghe”.

Khi chị đòi tiền lương và muốn đổi chủ khác, “họ đem tôi bán cho nhà khác, tôi không chịu và môi giới công ty tại Thủ đô Ryat đánh và nhốt tôi trong phòng”. Chị được đưa ra bến xe rồi bị bỏ mặc ở bến xe. Trong người “không có một ngàn, không có điện thoại, không biết tiếng”. Bơ vơ nơi đất khách quê người không biết xoay xở thế nào, chị chỉ biết “ngồi khóc ở bến xe Ryat, những người qua đường thấy đã đưa tôi tới công an và đưa vào trại tị nạn”.

Thời gian qua, nhiều nữ lao động kêu cứu có chung tình trạng bị bắt làm việc quá nhiều giờ so với hợp đồng, bị quỵt lương, bỏ đói và đánh đập. Tuy nhiên, người lao động lại không được đào tạo, hướng dẫn các cách thức xử lý tình huống nếu xảy ra bất trắc nơi xứ người. Chị Nguyễn Ngọc Dung cho biết đã được người môi giới đưa từ Bình Thuận ra Hà Nội và được “đào tạo sơ sơ” sau 7 ngày là đưa đi lao động.

Về học tiếng, “em được công ty đưa cho quyển vở bảo ghi vài từ cơ bản, sau 7 ngày là đưa ra máy bay”. Chị Dung khẳng định: Trước khi xuất khẩu lao động, các kỹ năng ứng phó với tình huống bị đánh đập, bỏ đói thì công ty “không dạy gì hết”. Người lao động không được trang bị kỹ năng xử lý các tình huống bất trắc; cũng không được cung cấp số điện thoại để kêu cứu khẩn cấp ở Saudi Arabia.

ngoc-dung-keu-cuu-1.jpg
 Đơn kêu cứu của chị Nguyễn Thị Ngọc Dung 


Còn chị Nguyễn Thị Vân, SN 1976, ở xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đang bị kẹt lại nhà chủ ở Saudi Arabia. Chị phản ánh bị chủ không trả lương và thường xuyên bị chủ đánh đập, thâm tím mình mẩy; bị bỏ đói ngay cả khi không phải tháng Ramadam của người Hồi giáo.

Khi bị chủ đối xử không tốt, chị vẫn cắn răng chịu đựng làm việc. Chị Vân phản ánh, chị không hề được chuẩn bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trong nhà chủ. Chị Vân được Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ VN (VINAGIMEX) đưa đi lao động giúp việc gia đình ở Saudi Arabia.

Tuy nhiên, chị được công ty đào tạo vỏn vẹn 28 ngày (từ cuối tháng 9/2015) trước khi xuất khẩu lao động. Với chưa đầy 1 tháng, chị được học tiếng Anh nhưng qua Saudi Arabia, gia chủ chỉ biết nói tiếng Arabia. Ngôn ngữ bất đồng, mọi giao tiếp “đều phải qua cử chỉ ra hiệu”.

Ngoài ra, “công ty không đào tạo gì thêm”; cũng không chuẩn bị cho người lao động về các kỹ năng xử lý tình huống khi bị ngược đãi, “cũng không có số điện thoại để cầu cứu”, chị Vân khẳng định.

ong-le-minh-trieu.jpg
Ông Lê Minh Triều, Phó Tổng giám đốc VINAGIMEX


Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Lê Minh Triều, Phó Tổng giám đốc VINAGIMEX, khẳng định: Tất cả lao động trước khi xuất cảnh “được bồi dưỡng kiến thức cần thiết”. Trong đó có số đường dây nóng của Ban Quản lý lao động ngoài nước ở Saudi Arabia, số của Đại sứ quán Việt Nam.

Khi người lao động gặp sự cố có thể gọi vào đường dây nóng, điện cho đại diện Đại sứ quán sẽ gặp ngay người lao động. “Trong trường hợp đặc biệt, có thể mời ngay người lao động về Trung tâm bảo trợ”. Ông Triều lý giải: Theo chương trình, người lao động được đào tạo tiếng; kỹ năng làm việc; bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Ông khẳng định: “Người lao động của công ty trước khi đi phải hoàn thành bài kiểm tra, bắt buộc học thuộc số điện thoại đường dây nóng và những bước cần thiết nếu có vấn đề đặc biệt thì gọi ngay”. Trong trường hợp chị Vân, ông Triều cho rằng: “chị không nắm được quy trình thế nào”,  không có số điện thoại, không nắm được là ai bảo vệ mình và được bảo vệ thế nào.

Trả lời Báo Phụ nữ Việt Nam mới đây, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng: Lao động giúp việc gia đình ở Saudi Arabia có nhiều rủi ro, bởi trong môi trường khép kín, trong gia đình chủ. Vì vậy, cần phải xem lại chương trình đào tạo bắt buộc như thế nào, tuổi nên giới hạn đến đâu, trình độ văn hóa… Đồng thời cũng "yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định của Nhà nước”, ông Diệp nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn