Đi hái chè, người phụ nữ kẹt dưới vực sâu suốt đêm

14:00 | 13/04/2017;
Bé gái hơn 10 tháng chết thương tâm do bị ngạt nước ngay trong nhà; Tìm thấy người phụ nữ đi hái chè bị kẹt ở vực sâu; Bé 4 tuổi ho ra tiếng kèn sau khi nuốt phải đồ chơi... là những tin đô thị đáng chú ý ngày 13/4.

Hà Tĩnh: Lên núi hái chè, người phụ nữ kẹt dưới vực sâu suốt đêm

Chiều 13/4, thông tin Đồn biên phòng Cửa Sót, thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, cho biết, đơn vị này vừa phối hợp lực lượng địa phương cấp cứu người phụ nữ rơi từ trên cao xuống vực sâu. 

Theo đó, ngày 11/4, chị Nguyễn Thị L. (SN 1978, trú tại xóm Thượng Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) một mình lên núi Nam Giới lấy cây chè vằng nhưng buổi tối không trở về.

Nhận được tin báo, Đồn biên phòng Cửa Sót đã cử đội công tác địa bàn nhanh chóng phối hợp với Công an xã và nhân dân triển khai tìm kiếm. Tuy nhiên, trong điều kiện sương mù dày đặc và đêm tối nên công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.

lan.jpg
 Chị Lan sau khi được lực lượng biên phòng cứu thoát từ vực sâu

Đến sáng ngày 12/4, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện chị L. bị rơi xuống vực trên núi Nam Giới trong tình trạng sức khỏe suy yếu, xây xát nhiều chỗ, đói, mệt và hoảng loạn. Lực lượng tìm kiếm đã nhanh chóng tiếp cận động viên tinh thần, băng bó vết thương, đưa chị về nhà.

Hiện tại, chị L. đang được quân y Đồn biên phòng cửa Sót chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên vẫn còn rất yếu.

Được biết, hoàn cảnh gia đình chị L. rất khó khăn, chồng vừa mất, một mình chị nuôi 2 con, chị lên núi tìm cây chè vằng để đem về bán, phụ thêm cho sinh hoạt trong gia đình. (Nguồn: Infonet)

TPHCM: Bé gái hơn 10 tháng chết thương tâm do bị ngạt nước ngay trong nhà

Một bé gái hơn 10 tháng tuổi sống tại huyện Bình Chánh, TPHCM, vừa tử vong sau 2 ngày nhập viện do bị ngạt nước quá lâu. 

Trước đó, gia đình phát hiện bé gái úp mặt vào chậu nước trong nhà từ khi nào không hay, mặt mũi tím tái nên đã thực hiện sơ cứu. Khoảng 25 phút sau, bệnh nhi mới được cấp cứu tại Bệnh viện Hóc Môn, TPHCM. Các bác sĩ cũng nhanh chóng hồi sức bằng cách ấn tim, đặt nội khí quản và chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Lúc này, cơ thể bé tím tái, trụy mạch, đồng tử ở hai mắt giãn, phản xạ ánh sáng rất kém cho thấy não đã thiếu oxy rất nặng. Dù hết sức nỗ lực nhưng các y bác sĩ cũng không thể cứu sống được cháu bé. Nguyên nhân tử vong của cháu bé là do thiếu oxy não quá lâu, đã qua “thời gian vàng” sơ cứu trong 4 phút sau khi bé gặp sự cố, nên không thể cứu được.  

Theo khuyến cáo của chuyên gia, nếu trẻ bị ngạt nước, bị ngưng tim, ngưng thở thì cần phải ấn tim như lúc tim còn đập. Đó là tần số phải đủ, với 100 lần/phút và ấn đúng vị trí, đúng chiều sâu, tránh tai biến hoặc gãy xương sườn của trẻ.

Muốn kiểm tra ấn tim có hiệu quả hay không, thì khi ấn tim mình sẽ bắt mạch trung tâm, ở bẹn, nách xem có nẩy hay không, nếu có nẩy chứng tỏ có hiệu quả. Tùy theo độ tuổi mà có cách ấn tim khác nhau, phụ huynh cần tìm hiểu vấn đề này để đề phòng xử lý. (Nguồn: VOV)

Bé 4 tuổi ho ra tiếng kèn sau khi nuốt phải đồ chơi vào phổi

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai​-Mũi​-Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, cho biết​, các bác sỹ vừa gắp thành công lõi chiếc kèn đồ chơi nằm trong phổi của bệnh nhi Cao Ngọc B., 4 tuổi. 

Theo lời kể của anh Cao Văn Lắm, bố của bệnh nhi, tháng 9/2016, bé đã nuốt phải lõi kèn của một loại đồ chơi bằng cao su. 

Tuy nhiên, khi đưa bé đi chụp X-quang không phát hiện dị vật trong thực quản. Nghĩ là lõi kèn đã đi ra ngoài thông qua đường tiêu hóa nên anh Lắm đưa con về. 

Từ đó, bé B. liên tục bị ho, sổ mũi và bệnh tình ngày càng nặng hơn dù đã uống thuốc nhiều lần. Gần đây, mỗi lúc bé bị ho, anh Lắm nghe có tiếng kêu như tiếng kèn lẫn trong mỗi tiếng ho của con. 

Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để kiểm tra và phát hiện phần lõi của chiếc kèn không nằm trong thực quản mà nằm trong phổi của bé. 

12_1.jpg
 Chiếc kèn được các bác sĩ lấy ra khỏi phổi bệnh nhi. Ảnh: Khánh Trung

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Như cho biết, do thời gian dị vật nằm trong phổi đã lâu, gây viêm nhiễm và đây là nguyên nhân khiến bệnh nhi bị ho dai dẳng kéo dài.

Bên cạnh đó, quá trình gắp dị vật cũng khó khăn, các bác sỹ đã cố gắng hạn chế làm loét vùng phổi xung quanh dị vật bởi chỉ cần một vết loét nhỏ máu sẽ chảy ồ ạt, rất khó cầm. 

Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Như, trường hợp của bé B. khá may mắn bởi dị vật dù nằm lâu trong phổi nhưng không tạo thành áp xe, không làm mủ và không gây nhiễm trùng vùng trung thất. 

Tại khoa Tai​-Mũi​-Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, tình trạng bệnh nhi bị rơi dị vật vào đường thở khá phổ biến, trung bình mỗi tháng có từ 3-4 ca. Các bác sỹ cũng cảnh báo phụ huynh nên lựa chọn cẩn thận đồ chơi cho con em của mình. (Nguồn: Vietnam Plus) 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn