Số phát sóng gần đây của chương trình y tế trực tuyến Health 2.0 (Trung Quốc) đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về bệnh tiểu đường. Không chỉ nhắc nhở những nguyên nhân từ lối sống dẫn đến mắc bệnh mà còn nhấn mạnh những triệu chứng bệnh dễ bị nhầm lẫn, dẫn đến bỏ qua “thời điểm vàng” trong điều trị.
Chuyên gia được mời đến chương trình là bác sĩ Trần Hân Mai đã nhiều lần cảnh báo tốc độ trẻ hóa của bệnh tiểu đường. Bà còn chia sẻ một ca bệnh về một cô gái trẻ phát hiện mắc tiểu đường sau khi đi khám dạ dày.
Bác sĩ Trần Hân Mai chia sẻ trong chương trình Health 2.0
Bác sĩ Trần cho biết, cô gái này có thể trạng gầy gò, đến bệnh viện khám bệnh với lý do thường xuyên cảm thấy chán ăn. Thậm chí, cứ ăn vào là lại thấy mệt mỏi về cơ thể và uể oải về tinh thần. Dù cố gắng ăn uống nhưng cân nặng của cô cứ ngày càng giảm đi. Nghĩ là do mình mắc bệnh tiêu hóa hoặc dạ dày nên cô tìm đến khoa tiêu hóa.
Tuy nhiên, sau khi khám tổng quát và điều tra bệnh sử sơ lược, các bác sĩ tại đây nghi ngờ cô mắc bệnh tiểu đường. Ngay sau đó, cô được đo chỉ số đường huyết và chuyển sang chuyên khoa Nội tiết để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Trần giải thích rằng, ở trạng thái nhịn ăn của một người bình thường, lượng đường trong máu lý tưởng phải dưới 90. Nhưng khi thăm khám, lượng đường trong máu của bệnh nhân lên tới trên 110. Mặc dù không quá cao nhưng xét tổng thể tại trạng thái nhịn ăn và các triệu chứng lâm sàng khác cho thấy bệnh đã ở giai đoạn 2 và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống hằng ngày.
Lúc đầu, cô gái trẻ vô cùng sửng sốt. Cô cho biết mình vốn khá quan tâm đến vóc dáng và sức khỏe nên ăn uống cũng lành mạnh, còn rất chăm tập thể dục thể thao. Cô vốn cho rằng tiểu đường chỉ xuất hiện ở những người thừa cân, béo phì. Còn cô luôn cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng và sụt cân đáng lẽ ra nên là rối loạn về tiêu hóa hoặc dạ dày có vấn đề.
Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh là đến từ thói quen ăn uống của bệnh nhân. Cô gái trẻ cho biết mình dù rất mê đồ ngọt nhưng sợ béo nên không dám ăn nhiều. Tuy nhiên, cô thường xuyên ăn các loại bánh mì, bún phở thay cho cơm để duy trì vóc dáng. Cô cũng thích dùng trái cây, nước ép hoa quả có vị ngọt để có thể thỏa mãn sở thích với đồ ngọt mà không lo tăng cân.
Theo bác sĩ Trần Hân Mai, cô gái này không phải là trường hợp duy nhất có những hiểu lầm tương tự về bệnh tiểu đường. Rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ tuổi thường có chế độ ăn uống không lành mạnh, dễ gây bệnh tiểu đường nhưng lại không hiểu hoặc dễ nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh.
Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2. Dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. Bao gồm tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ.
Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Có thể gây các biến chứng nguy hiểm tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
Cũng theo bác sĩ Trần, bệnh tiểu đường nhìn chung có các dấu hiệu sớm đặc trưng như:
- Hay đói và mệt mỏi, bao gồm cả mệt sau khi ăn xong.
- Hay khô miệng, khát nước hơn và đi tiểu thường xuyên hơn, nhất là ban đêm.
- Cảm thấy ngứa da hoặc bị nhiễm trùng nấm men.
- Sụt cân bất thường.
- Thị lực giảm.
- Vết thương hoặc vết loét chậm lành hơn.
Để giải thích rõ hơn về ca bệnh của cô gái kể trên, bà cũng cho biết tình trạng chán rối loạn ăn uống, sụt cân khi mắc tiểu đường tuýp 1 là rất phổ biến. Các nghiên cứu cho thấy, tiểu đường có thể làm cho bệnh nhân luôn có cảm giác mệt mỏi, khẩu vị bị ảnh hưởng không nhỏ từ đó gây nên tình trạng chán ăn, không muốn ăn.
Đồng thời, khi cơ thể không thể hấp thu lượng đường cần thiết trong máu để giải phóng năng lượng do sự thiếu hụt insulin, đường sẽ bị tích trữ một cách dư thừa trong máu và ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nhu cầu nạp thức ăn để lấy thêm năng lượng của cơ thể sẽ tăng cao để bù lại phần năng lượng bị thiếu, dẫn đến cảm giác đói và mệt mỏi thường xuyên.
Còn sụt cân thường do mất nhiều đường glucose qua nước tiểu. Đái tháo đường khiến cơ thể không thể chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, nó buộc phải lấy năng lượng từ mỡ và các cơ. Thiếu insulin dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, tăng quá trình tiêu protein, tiêu mỡ tất yếu sẽ dẫn đến sụt cân.
Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên giúp phòng tránh nhiều bệnh tật, bao gồm cả tiểu đường (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, một số nghiên cứu cho thấy những người uống một hoặc nhiều ly nước ép trái cây mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng 21%. Vì trái cây có chứa đường fructose, và đường fructose trong trái cây sẽ dễ dàng hấp thụ hơn bằng cách ép trái cây thành nước trái cây. Chất lỏng được cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn chất lỏng, huyền phù và chất rắn, vì vậy một khi trái cây được ép trái cây, đường fructose sẽ được hấp thụ nhanh hơn và nhiều hơn.
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) cũng liên tục phát đi những cảnh báo về tình trạng bệnh tiểu đường gia tăng và trẻ hóa nhanh. Hãy xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên và khám sức khỏe định kỳ. Ngay khi thấy có một trong các dấu hiệu cảnh báo sớm kể trên, hãy nhanh chóng tới bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn