Khoảng 10h sáng 9/9, cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) bất ngờ bị sập 2 nhịp khiến nhiều người mất tích. Đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 nạn nhân đã được tìm thấy là vợ chồng anh Lương Xuân Thành và chị Nguyễn Thị Hường (trú tại xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy).
Không chỉ để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình các nạn nhân, vụ sập cầu còn khiến cuộc sống của người dân trên địa bàn 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao bị đảo lộn.
Chị Nguyễn Kim Tuyến (43 tuổi) sinh ra và lớn lên tại xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông) nhưng lấy chồng ở xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao). Hiện tại, công việc của chị Tuyến là bán hàng rau củ tại chợ Ghềnh Cổ Tiết (huyện Tam Nông).
Chị Tuyến chia sẻ, trước kia, khi cầu Phong Châu chưa gặp sự cố, 1 ngày có lẽ không đếm xuể số lần chị di chuyển qua lại giữa 2 bên cầu để lấy và giao hàng. Tuy nhiên, từ khi cây cầu bị sập, việc đi lại của chị gặp nhiều khó khăn khi quãng đường di chuyển xa hơn gấp 35 lần.
"Từ nhà tôi đến chợ cách nhau chừng hơn 1km. Thế nhưng, từ khi cầu sập, tôi phải di chuyển quãng đường vòng từ bên Lâm Thao qua cầu Ngọc Tháp (thị xã Phú Thọ) sau đó mới đến được chợ. Quãng đường ấy lên đến hơn 35km khiến một ngày tôi phải di chuyển tổng hơn 70km từ nhà đến chỗ làm", chị Tuyến chia sẻ.
Chị Tuyến cũng tâm sự rằng, việc quãng đường di chuyển bỗng dưng quá xa cũng khiến cuộc sống của chị đảo lộn. Trước đây, vì quãng đường từ nhà đến chợ khá gần nên hàng ngày, chị Tuyến thường thức dậy vào khoảng 5h để đi lấy hàng mang sang chợ. Tuy nhiên, với quãng đường di chuyển hơn 35km như hiện tại, bản thân chị Tuyến phải dậy sớm hơn khoảng 1 tiếng 30 phút đến 2 tiếng.
Việc phải lấy hàng sớm khiến chị Tuyến không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Nếu như trước đây, mỗi khi tan buổi chợ sáng, chị Tuyến thường về nhà nghỉ ngơi cho đến buổi chợ chiều mới quay lại thì hiện tại, chị Tuyến lựa chọn cách nghỉ ngơi ngay tại chợ để tiết kiệm thời gian đi lại. Công việc gia đình đều phải nhờ cả vào chồng.
Chợ Ghềnh Cổ Tiết nằm cách cầu Phong Châu độ trăm mét nên có rất nhiều người dân tại huyện Lâm Thao sang đây thuê ki ốt bán hàng. Điều này dẫn đến việc khi cây cầu gặp sự cố, họ cũng phải di chuyển thêm quãng đường rất xa để đến được nơi làm.
Cũng giống như chị Tuyến, bên cạnh những khó khăn về quãng đường di chuyển, bà Lê Thị Hồng Thương (57 tuổi, trú tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) cho biết, việc cầu sập mà cách thức di chuyển mới chưa có cũng ảnh hưởng nhiều đến tình hình buôn bán, kinh doanh.
"Tôi buôn bán hoa quả ở chợ Ghềnh Cổ Tiết. Trước kia, hầu như xe hàng ngày nào cũng đến giao hàng nên tôi thường nhập ít để hoa quả luôn tươi mới. Tuy nhiên, từ khi cầu sập, có đến 2 - 3 ngày xe mới đến giao hàng nên tôi buộc phải nhập nhiều, bán lâu. Việc này khiến hoa quả không còn được tươi ngon như trước.
Ngoài ra, việc quãng đường di chuyển xa cũng kéo theo giá hoa quả tăng lên. Quả không tươi mới như trước mà giá thành tăng cao nên người dân cũng đắn đo dẫn đến việc buôn bán rất kém. Hơn nữa, khi cầu chưa gặp sự cố, người dân ở Lâm Thao cũng sang đây mua bán rất đông nên các mặt hàng chạy hơn rất nhiều", bà Thương chia sẻ.
Những tiểu thương như chị Tuyến và bà Thương mong mỏi cơ quan chức năng sớm bố trí phương án di chuyển thuận lợi cho bà con 2 bên cầu.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tam Nông cho biết, hiện lực lượng chức năng vẫn đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lắp đặt cầu phao.
Ngày 19/9, lực lượng quân đội cũng đã hạ thủy một số nhịp dùng để lắp cầu phao. Vị trí này cách cầu Phong Châu khoảng 400m về phía hạ lưu. Được biết, việc hạ thủy này nhằm kiểm tra, đánh giá các tác động của dòng chảy cũng như xác định khu vực thích hợp để lắp cầu phao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn