Dì Năm Vạn |
Dì Năm Vạn (Lê Thị Huệ) nguyên Hội phó Ban chấp hành Phụ nữ khu Trung Nam Bộ[1] (Khu 8) một chức vụ tương đồng với Phó Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ, là hiện thân của đa sắc màu rực rỡ.
Anh Trương Vĩnh Trọng (Hai Nghĩa), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, có lần nói với tôi: “Nhân cách chị Năm Vạn tuyệt vời!”.
Nghiệm lời khen của anh Hai, tôi lần về gốc tích và biết dì Năm chào đời vào tháng 3 năm Canh Ngọ 1930, là con thứ 4 trong một gia đình được học hành tử tế ở làng Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Nơi đây mang đậm tình người yêu nước, ôm chặt ân tình với Nhà nho yêu nước xứ Nghệ Nguyễn Sinh Sắc[2] trong những năm cuối đời và muôn thuở.
Hòa An cũng là nơi phát tích Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Sa Đéc vào tháng 10/1929, đồng thời là quê hương của nhà Cách mạng tiền bối Phạm Hữu Lầu[3], Nguyễn Thị Lựu và nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước khác.
Đang là nữ sinh trường Gia Long Sài Gòn – một trường trung học phổ thông danh tiếng của “Lục tỉnh Nam Kỳ”, dì Năm giác ngộ cách mạng, từ bỏ đô thành hào hoa tráng lệ để trở về bưng biền kháng chiến. Đó là một biểu hiện tinh thần yêu nước nồng nàn thuở ấy.
Trang sử đời hoạt động cách mạng và công tác xã hội của Dì liên tục trải dài suốt 70 năm (1946-2016) đi qua 2 thế kỷ, là những hoạt động sôi nổi, phong phú, hào hùng và lôi cuốn, hấp dẫn nhiều giai tầng, nhiều thế hệ lãnh đạo phụ nữ tỉnh Đồng Tháp.
Với tố chất thông minh, dịu hiền, dí dỏm, kiên cường vượt lên hy sinh gian khổ, ác liệt của chiến tranh, cùng với phong cách hòa đồng, tài năng tổ chức phụ vận khéo léo, Dì là Trưởng ban Phụ vận tỉnh Kiến Phong (1961) lúc tuổi đời còn rất trẻ và tham gia tỉnh ủy sau đó 2 năm. Tỉnh ủy lúc đó chỉ có 13 nhân sự. Vì vậy, vai trò Tỉnh ủy viên vô cùng quan trọng. Dì là phụ nữ duy nhất được Đảng bộ giao giữ trọng trách cùng tập thể Tỉnh ủy lãnh đạo chiến tranh cách mạng tỉnh Đồng Tháp.
Vào những năm đầu thập niên 60, nhiều cuộc biểu tình lớn của phụ nữ dồn dập nổ ra trên địa bàn tỉnh Kiến Phong. Trong đó có cả gia đình binh sĩ tham gia kéo về quận đường, tỉnh lị, trực diện đấu tranh với nhà cầm quyền đòi yêu sách: chấm dứt càn quét bắn phá, gom dân lập khu trù mật, bắt lính, bắt xâu, bắt người vô cớ, thả người vô tội[4] và bồi thường nhân mạng, tài sản bị đốt phá. Điển hình có cuộc trên 14 ngàn người kéo đến tỉnh trưởng, buộc phải chấp nhận giải quyết yêu sách. Một yêu sách đối kháng mang tính sống còn trong việc thực thi chiến lược chiến tranh đặc biệt của chế độ Mỹ Diệm[5]. Điều đó chứng minh vai trò và năng lực phụ vận của Dì Năm cực kỳ quan trọng trong giai đoạn lịch sử ấy.
Dì Năm Vạn cùng con trai, gái và con dâu |
Tôi nhiều lần được mẹ và những cô, dì một thời là cán bộ thuộc quyền của dì Năm chia sẻ những ấn tượng đẹp đẽ về người lãnh đạo của mình. Đại thể: phong cách lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo công việc là nét độc đáo, đặc trưng “chị Năm Vạn”. Đó là sự hòa đồng, thấu hiểu, cảm thông sâu sắc, chia sẻ, phân minh hài hòa giữa lý và tình mang đậm chất Nam Bộ, vừa bộc trực thẳng thắn, vừa chân thành tình cảm. Trong vai trò lãnh đạo của mình, cùng với sự thông minh và nhạy cảm thời thế, tính cách chân thành và thân tình, tự nhiên tạo cho chị có được quyền lực đẹp mềm như nhung lụa và vững chắc như thép trong lòng chị em. Điểm này, dì Năm đã tác nghiệp quyền lãnh đạo của mình theo một triết lí người xưa “Lạt mềm buộc chặt” nhuần nhuyễn.
Và trong một lần được nghe Dì kể chuyện chiến trường, tôi càng khâm phục lòng dũng cảm, sự dí dỏm của Dì và các cô trong hội phụ nữ hơn. Chuyện rằng: Năm Mậu Thân 1968, tại chiến trường Khu 8, sư đoàn số 9 lục quân Mỹ và lính Cộng hòa đánh phá ác liệt với nhiều loại phương tiện chiến tranh hiện đại, trong đó có trực thăng chiến đấu ký hiệu HU1A. Nhìn ở cự ly xa, nó giống như con nòng nọc nên gọi là “Nòng Nọc”. Có lần Dì đến nơi trú ẩn của chị em, thấy một chị đang mặc quần ướt, dì hỏi “sao đít bà ướt nhẹp vậy?”. Dì nhận được ngay lời đáp: “Báo cáo chị, em mới nhảy nọc”[6]. Một câu nói tắt cho hành động vừa nhảy xuống công sự ngập nước tránh hỏa lực của trực thăng HU1A nã đạn. Đó cũng là một câu trả lời bông đùa hồn nhiên xem thường sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, là biểu hiện sự lạc quan cách mạng cho dù đang trong hoàn cảnh nguy nan ác liệt. Cũng giống như lá thư gửi mẹ của nữ thanh niên xung phong đường Trường Sơn mà Bảo tàng quân đội còn lưu giữ “… Ở đây vui lắm, ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con đâu mẹ ạ!”. Tinh thần ấy của dì Năm và các chị em phụ nữ, thanh niên xung phong thời bấy giờ đã được các nhà phê bình, nhà thơ phác họa “hiên ngang đi vào cõi chết giành sức sống, cao hơn cái chết là những tiếng cười”, hay “…Mưa bom bão đạn lòng thanh thản, nhạt muối với cơm miệng vẫn cười…” (Tố Hữu).
Vào năm 1978, sau khi sư đoàn 330 Quân khu 9 đánh bật lính Pôn Pốt ra khỏi biên giới từ xã An Nông đến Ba Chúc, nơi chúng chiếm giữ và sát hại hàng ngàn đồng bào. Tôi được Trung đoàn trưởng thưởng phép vài ngày, nhân thể theo mẹ đến thăm gia đình Dì trong khuôn viên Ủy ban Nhân dân Tỉnh. Vừa gặp tôi Dì nói “sĩ quan trẻ!”. Bị khen bất ngờ làm tôi lúng túng, đỏ mặt, vừa khoái chí, vừa ngớ người. Vì tôi cứ tưởng mình già dặn. Bởi lúc đó tôi đã trải qua gần trăm trận mạc, lại đang là Tiểu đoàn trưởng, chỉ huy trên 300 binh sĩ.
Năm 1987 được ra Hà Nội học lớp đào tạo Cán bộ quân sự cao cấp, tôi đến cơ quan Trung ương Hội phụ nữ thăm Dì. Khi đối diện, trong ánh mắt và lời hỏi thăm chân tình của Dì tỏa ra một nguồn năng lượng hiểu biết sâu rộng, tình yêu thương, sự thấu hiểu sâu sắc. Đến đây, tôi mới hiểu nguyên nhân vì sao mẹ tôi và các dì thuộc quyền yêu thương, kính nể dì Năm đến dường ấy. Đó là sự hiểu NHÂN để dụng NHÂN hiệu quả nhất trong thực hiện quyền lãnh đạo của mình.
Dì Năm Vạn cùng các con, cháu |
Và hơn thế, mặc dù trải qua 43 năm tại chức đầy khó khăn gian khổ, đến tuổi được nghỉ hưu Dì vẫn tiếp tục cống hiến tham gia các hoạt động xã hội, đưa các phong trào tại địa phương phát triển, tiến bộ. Chính vì vậy, Dì được xem như một nhân vật có tiếng nói và ảnh hưởng sâu sắc trong giới lãnh đạo phụ nữ tỉnh nhà. Được các thế hệ lãnh đạo kế nhiệm yêu thương, tôn kính gọi dì bằng “Má Năm”.
Thưa chuyện với Dì khi viết bài này, tôi thấy được nỗi ray rứt của người mẹ kháng chiến với bao nỗi đau xé lòng, buộc phải ly tán các con nhờ người nuôi dưỡng. Tưởng chừng…! Sau một hồi suy tư, Dì nói: “Nhưng cũng may mắn được người tử tế dưỡng dục, nên các con dì đã trả được nghĩa cho đời. Đó là một phúc lớn mà gia đình dì nhận được”.
Trong mắt tôi, gia đình dì Năm là hình mẫu đẹp và sự ước ao chẳng những của thế hệ hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Cả dì, dượng[7] đều giữ trọng trách ở 2 thời kỳ kháng chiến và kiến quốc. Các con của dì dượng đều kế nghiệp và làm rạng danh truyền thống gia đình trong giai đoạn giữ nước kiến quốc: PGS, TS Lê Quang Minh – nguyên đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Thượng tá Lê Minh Trung – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại biểu HĐND Tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo giỏi giang đức độ; Kỹ sư xây dựng Lê Thị Minh Phương – nguyên Phó giám đốc sở Xây dựng, Đại biểu HĐND tỉnh, là nữ kỹ sư xây dựng có năng lực; Kiến trúc sư, Thạc sĩ Kinh tế Lê Minh Hoan (con trai Út dì Năm) đương kim Ủy viên BCHTW Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – một nhà lãnh đạo năng nổ, sáng tạo, có tầm nhìn vượt trội, là nhà quản lý kinh tế đáng tin cậy và khâm phục của tỉnh nhà.
Từ những chứng lý kể trên, có thể nói nôm na rằng: Gia đình dì Năm Vạn có quá nhiều nhà, nào là nhà kháng chiến cách mạng, nhà lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, nhà giáo, nhà binh, nhà công tác tư tưởng và hơn cả là cả nhà đều là Dân biểu[8].
Có lẽ nơi chín suối dượng Năm nhìn lên trần thế sẽ mỉm cười mãn nguyện khi bị tôi quy kết gia dình dì Năm Vạn có quá nhiều “nhà”. Đó cũng là một trong những sự tuyệt vời Dượng ạ! Huỳnh Minh Đoàn
(Nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp)
[1] Giữ chức Phó Chủ tịch Hội phụ nữ khu 8 (3/1973 – 6/1976), Đại biểu Quốc hội khóa VII
[2] Là thân sinh Lãnh tụ Hồ Chí Minh
[3] Năm 1927 tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, 1929 đảng viên An Nam Cộng sản Đảng, là một trong số 7 ủy viên Chấp ủy lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam 1930, Bí thư xứ ủy Nam Bộ 1957 thay đồng chí Lê Duẩn ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.
[4] Người vô tội: là người nằm trong hồ sơ nghi vấn Cộng sản Việt minh
[5] Cách gọi chính thể của nền đệ nhất Việt Nam Cộng hòa.
[6] Dân gian dùng để chỉ động vật phối giống.
[7] Lê Ngọc Bửu – Trần Hựu: tỉnh ủy viên tỉnh Kiến Phong từ năm 1968, nguyên Đại biểu HĐND, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Từ trần năm 1995.
[8] Đại biểu HĐND, Đại biểu Quốc hội.