Mirin Dajo tên thật là Arnold Gerrit Henskes nhưng thường được gọi là Mirin Dajo. Mirin Dajo sinh ngày 6/8/1912 tại Rostterdam (Hà Lan), qua đời ngày 26/5/1948. Mirin Dajo trong tiếng Esperanto có nghĩa là phi thường, đồng nghĩa với sức khỏe thể chất tuyệt vời, mọi thứ xuyên qua người mà không hề hấn gì.
Theo trang tin Thông tin khoa học (SIN), Mirin Dajo khởi nghiệp với nghề nghệ thuật Beaux, có nhiều năng khiếu trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế. Ông có một cuộc đời bình thường cho đến năm 33 tuổi thì xuất hiện khả năng kì lạ tên và khiến chính ông cũng không thể lý giải nổi. Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu khả năng phi thường của Mirin Dajo nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Thậm chí, có cả cáo buộc cho rằng Dajo đã "làm xiếc" trước mặt thiên hạ nhưng tuyệt nhiên không có bằng chứng nào kết luận cho các cáo buộc này.
Năm 33 tuổi khi phát hiện thấy khả năng đặc biệt nói trên, Dajo đã rời quê hương lên Thủ đô Amsterdam. Tại đây, Dajo với dáng người nhỏ nhưng nhanh nhẹn đã bắt tay vào nghiệp trình diễn tại các quán ăn, nhà hàng, biểu diễn đâm các vật kim loại sắc nhọn lên người, nuốt dao hoặc thủy tinh để tăng thêm độ mạo hiểm của trò diễn. Với khả năng phi thường này, danh tiếng của Dajo nổi như cồn, thậm chí còn được mời đến nhà hát Corso Theatre, ở Zurich, Thuỵ Sĩ để biểu diễn. Tại đây, Mirin Dajo đã trình diễn một màn khá ấn tượng, người đồng hương, cũng là bạn ông-Jan Dirk de Groot dùng thanh kiếm nhọn xuyên qua người ông.
Màn trình diễn thót tim này của Dajo khiến nhiều người sợ, ban đầu họ cho rằng đây hẳn là ảo thuật hoặc ít ra cũng nghi ngờ tính chân thật của màn trình diễn. Sự thật đã được chứng minh khi Mirin Dajo, với khuôn mặt bình tĩnh, đi lại bình thường và giơ tấm lưng, ngực trần nơi kiếm đâm xuyên dưới ánh đèn để mọi người kiểm chứng.
Khoa học lí giải về khả năng của Mirin Dajo
Vào thời điểm đến Thụy sĩ biểu diễn, Arnold Gerrit Henskes bắt đầu sử dụng nghệ danh Mirin Dajo. Mirin Dajo cho biết việc dùng ngôn ngữ Esperanto phù hợp với các màn trình diễn mà ông đã làm. Tuy nhiên, để cho đúng luật, Mirin Dajo cần phải có giấy phép, vì vậy trước khi được cấp phép, Mirin Dajo đã được đưa đến GS Carp, TS Bertholt và TS Stokvis ở Đại học Leiden kiểm tra. Cuối cùng, mọi thứ được “thông quan”, Mirin Dajo được phép biểu diễn nhưng không được phép rao giảng. Mirin Dajo cho rằng như vậy cũng tạm ổn song nó lại cản trở "sứ mệnh" của ông trước cộng đồng về thông điệp "tình yêu và hòa bình" mà ông ấp ủ.
Cũng phải nói thêm rằng những màn trình diễn diễn của Dajo là có thật nhưng bí ẩn đằng sau các màn trình diễn này người ta vẫn chưa lý giải hết. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time của Mỹ, Mirin Dajo tuyên bố khả năng của ông còn vượt xa cả những gì đã làm, như tiếp cận với thanh sắt nung đỏ, nước sôi và bắn xuyên qua người hai lần từ phía sau. Bằng chứng là hai vết sẹo ở giữa trán và ở trên mắt phải.
Nhiều nhà khoa học có mặt tại buổi trình diễn của Mirin Dajo ở Thụy Sỹ cho hay, sau khi kiếm nhọn đâm qua người, Mirin Dajo vẫn đi bộ, thậm chí là chạy nhẹ nhàng trong khi thanh kiếm vẫn đang găm trên ngực. Kỳ lạ hơn, dù bị đâm nhưng Mirin Dajo không hề chảy máu, dù chỉ là một chút. Thậm chí khi thanh kiếm rút ra, chẳng có cảnh tượng khủng khiếp nào cả, khiến màn trình diễn như thể "trò đùa, thách thức”.
Trong khi các nhà khoa học ngạc nhiên, pha chút nghi ngờ thì khán giả lại vỗ tay tán thưởng. Các nhà khoa học có mặt đặt ra nhiều câu hỏi, như lưỡi kiếm thực sự đã xuyên qua da thịt, máu không chảy, bí ẩn gì ở đây? Rất có thể Mirin Dajo đã chuẩn bị trước còn đồng hương anh, Groot ắt hẳn phải qua huấn luyện mới có thể đâm được những nhát kiếm thuần thục đến như vậy, không xuyên vào các bộ phận trọng yếu?....
Nhằm trả lời câu hỏi trên, chính Mirin Dajo đã đề xuất bác sĩ chụp X-quang khi còn nguyên một thanh kiếm xuyên qua ngực. Sau khi X-quang xong, Mirin Dajo nhẹ nhàng rút kiếm ra và nhanh tay ấn chặt vào vết thương trên người, rất có thể là để cầm cho máu không chảy. Đặc biệt hơn, Mirin Dajo chẳng cần băng bó, hay thuốc thang như những người bình thường.
Vẫn chưa tin, bác sĩ người Thuỵ Sĩ Hans Naegeli-Osjord đã đích thân mời Mirin Dajo tới Bệnh viện Zurich Cantonal để kiểm chứng trước sự chứng kiến của khá nhiều đồng nghiệp. Ban đầu là trình diễn, sau là kiểm tra. Các bác sĩ khám vết thương sau khi kiếm được rút ra. Qua phim chụp X-quang, mọi người đều thừa nhận sự thật, Dajo không gặp bất kì tổn thương nội tạng nào dù việc đâm một thanh kiếm qua ngực vô cùng nguy hiểm. Từ đây, mọi mối nghi ngờ tan biến. Thậm chí, sau đó người ta còn dùng 3 thanh kim loại rỗng xuyên qua ngực cùng một lúc. Sau đó, Mirin Dajo còn đồng ý cho bơm nước qua lỗ thông để chứng minh thanh kim loại đâm xuyên qua cơ thể mình thực sự. Cũng từ đây, Mirin Dajo còn có thêm biệt danh "người vòi nước".
Mặc dù đã qua nhiều lần kiểm tra nhưng nhiều người vẫn bán tin bán nghi. Năm 1947, ông được mời tới thành phố Basel để tiến hành kiểm tra tiếp một lần nữa. Lần này các bác sĩ muốn được tự tay thực hiện màn đâm kiếm thay cho Groot. Lần này, Dajo tiếp tục khiến các bác sĩ tại đây ngạc nhiên và cuối cùng họ phải tự nhận việc làm của mình vượt quá đạo đức ngành y. Thậm chí có người còn cho rằng Mirin Dajo dùng tiểu xảo, tạo những lỗ nhỏ trên cơ thể, tránh các cơ quan nội tạng ra để dễ bề biểu diễn nhưng đây chỉ là phán đoán vô căn cứ.
Những năm tháng cuối đời
Ngoài biểu diễn, Mirin Dajo còn phải im lặng trước khả năng đặc biệt của mình, Dajo cho hay, ông thường ngồi thiền một vài phút trước khi để kiếm xuyên qua. Ông thường gặp những giấc mơ siêu thực ngay từ khi còn nhỏ, rất có thể tài năng của bản thân là do sự ưu ái của Thượng Đế. Giới chức địa phương nhận thấy sức hút của Mirin Dajo nhưng chỉ cho phép ông biểu diễn trong im lặng bởi lo sợ tuyên truyền những tư tưởng lệch lạc. Dajo ít có điều kiện giao lưu với khán giả, mọi thứ thường thông qua người trợ lí riêng.
Tháng 12 năm 1947, Mirin Dajo đã viết thư cho Albert Einstein, lúc đó đang công tác Đại học Princeton. Mirin Dajo đề nghị Einstein giúp ông để đến Mỹ và muốn Einstein kiểm tra khả năng của ông và hợp tác nhằm mang lại hòa bình cho thế giới. Bức thư dài bốn trang này được lưu trong ấn phẩm nói về Mirin Dajo của tác giả Luc Burgin, tựa đề Das Wunder (2004). Qua ấn phẩn trên cho thấy, Einstein không quan tâm đến vấn đề siêu nhiên và khuyên mọi người không nên làm theo cách của Mirin Dajo.
Theo SIN, vào tháng 5 năm 1948, Mirin Dajo nghe thấy tiếng gọi trong đầu, rồi nuốt một cây kim rất lớn xuống dạ dày. 2 ngày sau, ông rơi vào trạng thái nguy hiểm phải phẫu thuật. Không may, do cạn kiệt năng lượng, ông đã không qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng. Đến nay, đã hơn 70 năm trôi qua, khoa học vẫn không thể lý giải được những gì Mirin Dajo đã làm. Phải chăng Mirin Dajo có năng lực siêu nhiên đích thực và nếu có thì nó từ đâu mà ra?