Chị Hồ Thị Mỹ Nghệ (42 tuổi) chia sẻ: từ Thanh Hóa theo gia đình vào Đà Lạt lập nghiệp lúc còn nhỏ, cái duyên đến với nghề Đông y khiến hơn 2 năm qua, chị Nghệ phải xuống TPHCM để tiếp tục theo học. Ngôi nhà nơi chị Nghệ thuê để phục vụ cho việc học và sống với 2 con là một căn phòng nhỏ nằm ngay tầng trệt của chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM). Chị bảo: “Tiền thuê mỗi tháng hết 7 triệu đồng nhưng cũng có chỗ để mình kê chiếc tủ chứa các loại thảo mộc làm thuốc, chữa trị cho những người có nhu cầu”.
Sau 15 năm chị Nghệ có bầu song thai lần 2 nhưng nỗi ám ảnh nhau tiền đạo vẫn khiến chị lo lắng (Ảnh chụp 17/6/2014)
“Mới đấy mà đã 15 năm trôi qua, Hữu Huân (tên con trai chị Nghệ - PV) đã bước vào lớp 7. Nhìn thằng bé cao lớn, khôi ngô như vậy, chẳng ai có thể nghĩ tôi từng bước qua cửa tử bởi căn bệnh nhau tiền đạo lúc mang bầu”, vừa nói, chị Nghệ vừa hướng đôi mắt về phía cậu con trai đang say mê đọc truyện ở góc nhà.
Kể về căn bệnh mà theo chị Nghệ thì “phúc không đủ nhiều là cả hai mẹ con đã về với tổ tiên”, giọng chị thỉnh thoảng vẫn nghẹn lại và đôi mắt không giấu được nỗi sợ hãi. “Tôi sinh bé đầu tiên rất bình thường, mang thai bé thứ 2 thì cũng không thấy dấu hiệu gì khác lạ. Tới khoảng 4-5 tháng thì bé bắt đầu đạp, nhưng đến tháng thứ 7-8 thì bé đạp không ngưng nghỉ, đạp cả ngày lẫn đêm. Nhiều người nói do thai khỏe nên bé đạp nhiều. Tới khoảng hơn 8 tháng thì tôi không chịu nổi, quyết định đi khám. Bác sĩ chỉ nói: “Nhau tiền đạo rồi! Nhập viện gấp”. Bản thân tôi khi đó không biết nhau tiền đạo nguy hiểm như thế nào, nhưng kể từ sau lần khám ấy, tôi bắt đầu bị ra máu”, chị Nghệ nhớ lại.
Cầm ly nước lọc uống cạn một hơi, chị Nghệ kể tiếp: “Tôi về nhà trong tình trạng máu ra rất nhiều. Cả tôi và gia đình đều nghĩ có thể sắp sinh nên bác sĩ mới nói nhập viện gấp. Sau vài xét nghiệm, tôi thấy các bác sĩ xúm lại, nói điều gì đó và gọi người nhà vô ký vào giấy cam kết phẫu thuật. Họ để tôi nằm trên xe, đẩy vào phòng mổ. Khi đó, cổ họng tôi nghẹn lại nhưng nước mắt không trào ra được, tôi chỉ nghĩ đến đứa con đang nằm trong bụng, cầu nguyện và lịm đi”.
Mong may mắn lại mỉm cười!
Khi nhập viện và tiến hành các thủ tục xét nghiệm, chị Nghệ được các bác sĩ chẩn đoán là tình trạng nhau tiền đạo đã rất nguy cấp. Sau khi chồng ký cam kết vào phiếu phẫu thuật, chị được đưa vào phòng mổ cấp cứu và truyền máu. Tỉnh lại, chị thấy mình nằm tại phòng hồi sức nhưng linh cảm của một người mẹ đã mách bảo rằng mọi thứ đã ổn. “Khi tỉnh lại, không có ai bên cạnh cả, nhưng không hiểu sao, tôi có niềm tin chắc chắn là cả hai mẹ con đã ổn. Và đúng như vậy, 3 ngày sau tôi được gặp con, thằng bé kháu khỉnh nặng 2,6kg nằm gọn trong vòng tay tôi với nhịp thở ấm vô cùng”, chị Nghệ khẽ cười.
Sau lần “vượt cạn” đó, sức khỏe của chị Nghệ giảm đi rõ rệt, chị đã trải qua 2 lần mổ sỏi thận nhưng vẫn không hiệu quả. Chạy chữa khắp nơi mà chẳng hết bệnh, cuối cùng, những căn bệnh trong người chị Nghệ lại được chữa khỏi bởi một số loại thảo mộc chị xin tại một ngôi chùa. Cũng từ đó, chị Nghệ “bén duyên” với Đông y. “Nhờ sự hỗ trợ của một người thầy, tôi mở phòng mạch riêng tại Đà Lạt, tôi không hy vọng kiếm nhiều tiền, chỉ mong mình có thể giúp đỡ nhiều người khác, giống như rất nhiều người đã giúp tôi. Thời gian qua đi, tôi không nghĩ mình sẽ “cả gan” mang thai một lần nữa, nhưng con cái là duyên trời cho, bỗng nhiên tôi phát hiện mình có bầu sau hơn 10 năm “im hơi”, chị Nghệ khoe.
Dù rất vui khi đón nhận thông tin đang mang trong mình song thai, nhưng nỗi ám ảnh 15 năm trước cứ ùa về khiến chị Nghệ không dám chủ quan. Ngay từ khi biết mình có bầu, chị đến các phòng khám lớn để theo dõi và nhờ bác sĩ tư vấn. Không yên tâm với những nơi mình đến khám, chị Nghệ lại nhờ bạn bè giới thiệu tới vài nơi uy tín khác, cuối cùng chị đặt niềm tin vào một bác sĩ chuyên khoa Sản tại quận Tân Bình, bởi “linh cảm cho tôi thấy, bác sĩ rất có tâm”, chị Nghệ lý giải.
Cầm những tờ siêu âm và giấy khám thai trên tay, chị Nghệ tự trấn an: “Mình lo vậy thôi chứ nếu biết cách đề phòng tốt và kịp thời thì cũng không đến nỗi. Lần trước là do tôi thiếu hiểu biết và chủ quan nên nhập viện trễ, gây nguy hiểm đến tính mạng của cả hai mẹ con. Nhưng lần này thì khác, tôi khám thường xuyên, bác sĩ giỏi nên tôi cũng yên tâm phần nào. Chỉ mong sao may mắn lại mỉm cười!”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung (giảng viên Bộ môn Phụ sản, ĐH Y Dược TPHCM, Trưởng phòng khám phụ sản Hoàng Gia) |
Bình thường, bánh nhau bám ở vùng đáy hoặc thân tử cung. Trong trường hợp bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung, che một phần hay che kín cổ tử cung thì được gọi là “Nhau tiền đạo”. Nhau tiền đạo nghĩa là bánh nhau nằm trước đường đi của thai nhi khi sanh ngã âm đạo. Do đó, trong những trường hợp này đa số phải mổ lấy thai. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, thường gặp nhau tiền đạo ở những người: Sanh nhiều lần; Nạo thai, sẩy thai nhiều lần; Viêm nhiễm tử cung trước đó; Có nhau tiền đạo lần mang thai trước. Song, ở những người mang thai lần đầu vẫn có thể bị nhau tiền đạo. Dấu hiệu nhận biết nhau tiền đạo: Trong 3 tháng cuối thai kỳ, đột ngột thai phụ bị ra huyết đỏ tươi, có thể nhiều hoặc ít, đông cục lại, không kèm theo đau bụng.Triệu chứng ra huyết âm đạo có thể lập lại nhiều lần và lần sau thường ra huyết nhiều hơn lần trước. Hiện nay, phương pháp an toàn và được dùng nhiều nhất tại Việt Nam là siêu âm. Có thể phát hiện sớm từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ nhờ vào siêu âm. Khi mang thai, nếu thấy đột nhiên ra huyết âm đạo, thai phụ cần phải vào bệnh viện có khoa sản gần nhất để được chẩn đoán và tư vấn điều trị. Tùy theo mức độ ra huyết và sự trưởng thành của thai nhi mà bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay dưỡng thai thêm. Nếu được dưỡng thai thêm, thai phụ cần nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn uống bổ dưỡng. Nếu không ra huyết âm đạo và thai nhi còn non tháng: Nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, tránh đi chơi xa, không làm việc nặng, kiêng giao hợp. Tùy từng trường mức độ ra huyết và vị trí bánh nhau mà bác sĩ sẽ quyết định việc cho thai phụ sinh thường hoặc mổ lấy thai. |