Di sản để lại

12:00 | 27/07/2024;
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi nhưng ngọn lửa của tình yêu nước bác để lại sẽ là di sản lớn nhất mà thế hệ trẻ được kế thừa.

Nhà tôi ở Hà Nội nằm trên con phố ngay sát bên Nhà Tang lễ Quốc gia. 11h đêm 25/7, mẹ nhắn tin cho tôi: “Người ta xếp hàng chờ vào viếng ở phố nhà mình đông quá”, rồi chụp một bức ảnh người dân tràn vào trong sân xóm ngồi. Đêm tháng 7, sau cơn mưa chiều, trời vẫn còn oi nóng, hàng người biến con đường thành một biển màu đen, rì rào những tiếng nói chuyện nhỏ, kiên nhẫn nhích từng chút một để tiến gần hơn đến nơi đặt linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

1h sáng, tôi lướt Facebook và nhận ra không ít những góc phố gần nhà mình được bạn bè xung quanh và cả mạng xã hội chia sẻ. Dòng người đổ về các con phố xung quanh Nhà Tang lễ Quốc gia kín đặc cho đến tận quá nửa đêm. Người ta chuyền tay nhau những chiếc quạt gió mini được một nhà bán đồ văn phòng phẩm tiếp tế. Người khác phe phẩy chiếc quạt giấy nhưng không quên giơ thật cao lên để những người xung quanh được mát cùng. Một dãy nhà mang quạt máy ra chĩa thẳng xuống đường, có tiệm bán quần áo lại mở toang cửa kính ra để hơi điều hòa mát rượi phả ra ngoài phố. Trên vỉa hè, những sạp nhỏ được đặt ngay ngắn giấy ăn khô để thấm mồ hôi, nước khoáng đóng chai nhỏ và cả bánh mỳ, bánh quy để tiếp sức cho đoàn người đổ về ngày một đông đúc. 

Người cho đi, người san sẻ, người tri ân… Không ai bảo ai, trái tim người Việt tự tựa vào nhau trong giây phút cả đất nước cùng mất đi vị Tổng Bí thư thân yêu và đáng kính.

Di sản để lại- Ảnh 1.

Trên mạng xã hội, những lời chia buồn và thương tiếc ào ạt như những cơn sóng. Có bạn trẻ kể về giọt nước mắt của ông bà trong gia đình khi hay tin bác Trọng qua đời. Có bạn trẻ cần mẫn chia sẻ từng câu chuyện của bác mà mình đã say sưa tìm hiểu qua sách báo. Đến chiều qua, có bạn lại thảng thốt đặt câu hỏi: “Mình từ Đà Nẵng bay vội ra Hà Nội để đi viếng bác, mọi người cho mình hỏi có chuyến xe trung chuyển nào từ sân bay về trung tâm không?”.

Sự mất mát để lại một khoảng trống không thể lấp đầy cho những người ở lại, nhưng đồng thời, một cách phi thường, sự mất mát cũng kéo tất cả chúng ta sát lại gần nhau. Từ con người đến con người. Thế hệ trước và thế hệ sau. Từ thành phố này đến bất cứ nơi xa xôi nào trên khắp đất nước.

Di sản để lại- Ảnh 2.

Suốt cả 2 ngày Quốc tang, Facebook tôi ngập tràn những câu chuyện về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ những thành tựu lớn, những dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp chính trị của bác, cho đến những mẩu chuyện đời thường về một ông lão tóc bạc chỉ đi chiếc xe ô tô đời cũ màu đen trong suốt hàng chục năm liền; những vật dụng là chiếc kính, chiếc áo khoác sờn chỉ hay cái cặp xách cũ mấy cũng chẳng thay; hay hình ảnh bác trong bộ đồ bệnh nhân vẫn làm việc cho đến ngày cuối cùng trên giường bệnh.

Một nhà lãnh đạo, một người Cộng sản chân chính, liêm khiết và tận tâm cứ thế hiện lên sau những dòng tin và mẩu chuyện. Lòng yêu nước và niềm tự hào về một vị lãnh đạo kiệt xuất giống như những đốm lửa lấp lánh được người dân truyền tay nhau, tạo thành một thứ ánh sáng thiêng liêng và rực rỡ. Thứ ánh sáng ấy, là di sản đẹp đẽ nhất mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho tất cả người dân Việt Nam trước khi mãi mãi ra đi.

Di sản để lại- Ảnh 3.

Có lẽ, với những người trẻ như tôi, các khái niệm chính trị là điều phải mất nhiều thời gian mới thật sự hiểu thấu. Tôi không nói hay được về những giá trị to lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho cuộc sống của triệu triệu người Việt Nam, cho chúng ta ở thời hiện tại và cho cả thế hệ sau. Nhưng có một điều tôi chắc chắn, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã đọc, đã tìm hiểu, đã biết nhiều hơn về bác, về đất nước mình - sau những ngày vừa qua. 

Tất cả đã hòa cùng nỗi đau mất mát chung của đất nước. Tất cả đã cùng rơi nước mắt, đã xót xa, đã tiếc thương, đã hòa mình vào dòng người cuồn cuộn để gửi lời tiễn biệt sau cuối tới vị lãnh đạo đáng kính. Người trẻ đã được gợi nhắc để quan tâm hơn về đất nước, về những con người đã cống hiến cuộc đời mình cho dân tộc. Người trẻ đã nhìn về cuộc sống xung quanh bằng một con mắt chú tâm và trân trọng hơn về những gì mình đang có. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là niềm tiếc thương của cả dân tộc, nhưng đồng thời cũng gợi lên tình yêu dạt dào với quê hương - vốn luôn ở đó trong trái tim của mỗi thế hệ.

Di sản để lại- Ảnh 4.
Di sản để lại- Ảnh 5.
Di sản để lại- Ảnh 6.

Đoàn xe đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng (Ảnh: Lữ Phụng Tiên)

Thứ tình yêu tạo nên sức mạnh phi thường, lớn lao và dào dạt ấy vẫn đang chảy tràn trong huyết quản của người Việt Nam, dẫu trẻ hay già. Chúng ta sống với hiện tại, hướng về tương lai nhờ chính những động lực trong quá khứ, từ những giá trị và tinh thần bất khuất của thế hệ đi trước để lại. Sức mạnh to lớn ấy chưa bao giờ mất đi, mà luôn cháy bỏng như một ngọn đuốc được truyền từ tay người này đến người khác, từ ông đến cha, và giờ là thế hệ con cháu. Đôi khi, sức mạnh ấy có thể khuất lấp bởi những vòng xoáy của đời sống hiện đại, nhưng nó vẫn luôn âm ỉ cháy và sẽ được thổi bùng lên rực rỡ mỗi khi cả dân tộc có cùng một nhịp đập trái tim.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi, nhưng ngọn lửa của tình yêu nước ông để lại sẽ là di sản lớn nhất mà thế hệ trẻ được kế thừa.

Di sản để lại- Ảnh 7.

Tôi cảm thấy ấm áp vì nghĩ đến tương lai, vì nghĩ đến thứ động lực mạnh mẽ thế hệ của mình đã được đặt vào tay. Nhưng đó là chuyện của những ngày phía trước, lúc này, chúng ta hãy cùng gửi lời tiễn biệt cuối cùng đến người lãnh đạo đáng kính của Đảng, người Cộng sản vĩ đại, ông lão tóc trắng hiền từ của mọi người dân Việt Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn