Đi tìm lý do con trai lấy trộm điện thoại của gia sư

17:55 | 24/08/2020;
Nghe tin cậu con trai lớp 9 lấy trộm điện thoại của gia sư, anh Hoàng Thế Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) đùng đùng nổi giận. Quá thất vọng với con, anh Bình đã đánh con một trận. Vợ anh Bình lại ứng xử hoàn toàn khác.

Cuối năm học lớp 8, khi thấy kết quả học tập của con sa sút, anh Bình đã rất tức giận. Thấy con lúc nào cũng kè kè chiếc điện thoại, anh giật chiếc điện thoại và ném mạnh xuống đất. Nhìn chiếc điện thoại bị vỡ tan, Hiếu, con trai anh Bình, trân trân nhìn bố, không nói một lời. Lần nào cũng thế, khi không vừa ý chuyện gì, anh Bình luôn không kiềm chế được cảm xúc, lúc nào cũng phản ứng mạnh như vậy.

Thấy chồng nóng tính, ném vỡ điện thoại của con, chị Ngọc, vợ anh Bình, không can thiệp nhưng rất bất bình trước hành động của chồng. Nếu chị có ý kiến, anh sẽ đổ lỗi "chiều con, không biết dạy con" lên đầu vợ. Nghỉ hè, "nhốt" con trong nhà, không cho con gặp bạn bè, chị Ngọc thấy biện pháp trừng phạt con của chồng quá hà khắc. Chị hiểu, ở lứa tuổi của con, không thể ngăn cản con không có bạn, không giao tiếp với bạn. Với chúng, ở thời điểm này, bạn bè rất quan trọng. Nhất là khi cậu đang thích một cô bạn cùng lớp thì chiếc điện thoại là phương tiện giao tiếp. Chị Ngọc không dám nói với chồng nhưng chị linh tính sẽ có chuyện không ổn.

Chính vì vậy, khi nghe tin con trai lấy trộm điện thoại của cô gia sư, chị Ngọc không quá ngạc nhiên. Anh Bình thì như phát điên trước hành động của con. Không nói không rằng, anh lấy chiếc thắt lưng vụt tới tấp vào người con. Anh cho rằng con quá hư, hành động ăn trộm là xấu xa, không chấp nhận được. Sau trận đòn "thừa sống thiếu chết", anh Bình dành cho con vô số lời chì chiết.

Chị Ngọc cũng buồn và thất vọng về hành động của con. Nhưng chị không đồng ý với cách giải quyết của chồng. Chị lo sợ con trai sẽ chán nản, buông xuôi, mất niềm tin vào chính mình. Lúc đó, chị đang đi công tác nên không ở bên cạnh để nói chuyện cùng con. Chị biết rằng, nếu gọi điện lúc này, con sẽ né tránh nghe điện thoại từ mẹ. Dù gì, con cũng rất xấu hổ trước hành động của mình.

Chị Ngọc quyết định nhắn tin qua messenger cho con. Thế nhưng, nhắn tin thế nào để con có thể chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư không phải là điều dễ. Chị đã nói với con rằng, mẹ đã biết chuyện của con, rằng mẹ hiểu đây chỉ là hành động bột phát. Mẹ thông cảm và không cho rằng con là đứa trẻ hư. Nghe mẹ nói thế, cậu con trai được dịp trải lòng với mẹ. Cậu cảm thấy xấu hổ và vô cùng có lỗi trước hành động của mình. Cũng giống như mẹ nói, cậu cần có điện thoại để nói chuyện với bạn. Trong cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con, chị Ngọc luôn khẳng định những tính cách tốt đẹp mà con có. Chị muốn con phải tự tin vào bản thân, tự tin vào những phẩm chất tốt đẹp mà con có. Con không phải là đứa trẻ xấu xa mà bố đã chụp mũ cho con.

Chị Ngọc chụp tất cả những tin nhắn của hai mẹ con và gửi cho chồng. Chị không "lên lớp" với chồng là phải dạy con thế nào bởi chị hiểu tính cố chấp của chồng. Không ngờ, ngày hôm sau, chồng chị đã có cuộc nói chuyện với con. Anh đưa cho con trai chiếc điện thoại cũ của mình kèm theo một số điều kiện. Chị Ngọc thở phào và tin rằng đây sẽ là bài học đáng nhớ của cả hai cha con. Chị không còn thót tim, lo sợ con sẽ nghĩ quẩn khi bị bố "dội bom" những lời xấu xa lên đầu.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn