Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, chị Tâm cho biết: "Tôi đi xuất khẩu lao động ở Nga, sau đó trở về quê hương. Năm 2013, ở tuổi 40, tôi đã sử dụng số tiền dành dụm trong thời gian xuất khẩu lao động để mua mảnh đất rộng 12,5ha tại xã Liên Châu, chính thức khởi nghiệp, xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm làm nông nghiệp nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sau hai năm, tôi đã bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng".
PV: Vậy động lực nào để chị vượt qua thất bại và đạt được thành quả như ngày hôm nay?
Chị Ngô Thị Tâm: Trong quá trình đầu tư cho chăn nuôi, bản thân tôi đã đi từ không đến có, từ ít đến nhiều; vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Nhờ các chính sách về khuyến khích sản xuất kinh doanh của địa phương, tôi được đi tập huấn, thăm quan các mô hình chăn nuôi, từ đó tôi có thêm kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi cũng như thú y.
Tôi nhận thấy rằng khâu phòng bệnh định kỳ cho gia súc là yếu tố quyết định đến sự thành công. Tôi quyết định không làm theo truyền thông mà hướng tới phát triển mô hình chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để có đầu ra thuận lợi, doanh thu ổn định.
Hiện trang trại của tôi luôn chú trọng thực hiện vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ sức khỏe con người. Trang trại quy hoạch hệ thống chuồng nuôi theo từng khu riêng biệt. Để đảm bảo chất lượng cho trang trại, dù có công nhân nhưng tôi phải trực tiếp quan sát họ làm việc.
Phần lớn thời gian của tôi vẫn dành ở trang trại, làm các công việc mình đã quen thuộc. Với sự sâu sát đó, doanh thu của trang trại vẫn lãi và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con nông dân tại địa phương.
PV: Khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ và đến nay chị đã đạt được những thành công nhất định. Chị đã cho phép mình dừng lại để tận hưởng thành quả?
Chị Ngô Thị Tâm: Khởi nghiệp ở tuổi 40, làm chủ ở tuổi 50 nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến mình sẽ dừng lại. Tôi đang tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại, áp dụng những tiến bộ khoa học mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở địa phương. Bản thân tôi luôn xác định, mình phải mạnh mới giúp được nhiều người có thu nhập ổn định.
Bên cạnh phát triển kinh tế của gia đình, tôi cũng hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ nông dân khác trong xã. Từ trang trại của gia đình tôi, nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài xã đã đến tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi theo quy trình VietGAP.
Trong xã đang dần hình thành nhiều mô hình trang trại chăn nuôi với quy mô lớn. Hằng năm, tôi hướng dẫn cho trên 60 hội viên nông dân trong thôn về kỹ thuật chăn nuôi. Đối với hộ nghèo, tôi đã giúp 3 hộ nghèo thoát nghèo thông qua giúp đỡ về con giống.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn