Đi vệ sinh dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu là do đâu? Có phải do bệnh thận không?

14:43 | 25/10/2024;
Đi vệ sinh dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi đối với mọi giới tính, nhưng phổ biến nhất là ở nam giới lớn tuổi, có liên quan đến tuyến tiền liệt phì đại.

Dòng nước tiểu yếu là khi bàng quang không làm rỗng đúng cách, gây ra vấn đề khi bắt đầu hoặc duy trì dòng nước tiểu ổn định. Đi vệ sinh dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu, đi tiểu còn sót chút ít, khi tiểu phải chờ lâu mới ra nước tiểu là do đâu? Đây có phải bệnh lý nguy hiểm không?

1. Nguyên nhân khiến dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu

Nhiều tình trạng bệnh lý có thể ảnh hưởng đến lưu lượng nước tiểu khiến dòng nước tiểu yếu, đi tiểu ra chậm:

- Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH)

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH) là tình trạng tuyến tiền liệt tăng kích thước. Khi đàn ông già đi, tuyến tiền liệt phát triển đến kích thước lớn hơn bình thường. 

Vì vị trí của tuyến tiền liệt xung quanh đầu niệu đạo nên khi tuyến tiền liệt to ra sẽ đè lên niệu đạo và chặn đường đi của nước tiểu. Sự tắc nghẽn toàn bộ hoặc một phần này làm chậm dòng chảy của nước tiểu. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là nguyên nhân chính gây ra dòng nước tiểu yếu, khó đi tiểu ở nam giới trên 45 tuổi.

Ngoài dòng nước tiểu yếu, các triệu chứng khác của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt bao gồm: 

+ Tiểu không tự chủ

+ Cảm giác muốn đi tiểu gấp

+ Không có khả năng làm rỗng hoàn toàn bàng quang

+ Đau sau khi xuất tinh hoặc khi đi tiểu

+ Nước tiểu đổi màu, nước tiểu có mùi

Cách điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH) bao gồm thuốc men, phẫu thuật, phương pháp ít xâm lấn như nâng niệu đạo tuyến tiền liệt.

Đi vệ sinh dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu là do đâu? Có phải do bệnh thận không?- Ảnh 1.

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt chủ yếu xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi (Ảnh: Internet)

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt không?

Nghiên cứu cho thấy rằng việc mắc tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt có các triệu chứng tương tự nhau nên có thể dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán ban đầu.

- Bàng quang hoạt động kém

Bàng quang hoạt động kém là một tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi dòng nước tiểu yếu, đi tiểu ra chậm và không có khả năng làm rỗng hoàn toàn bàng quang. 

Tình trạng này ngược lại với bàng quang hoạt động quá mức (OAB) - nguyên nhân gây ra chứng tiểu không tự chủ, tức là những cơn buồn tiểu cấp bách và thường xuyên. 

Những bệnh nhân bị bàng quang hoạt động kém sẽ giảm cảm giác khi bàng quang đầy và không thể co bóp hoàn toàn bàng quang. Tình trạng này có thể xảy ra khi có tổn thương ở các đường dẫn ngoại vi bàng quang hoặc tủy sống thắt lưng - xương cùng. Tình trạng này cũng phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, các bệnh thần kinh, bệnh Parkinson và gãy xương chậu.

Triệu chứng khác của tình trạng bàng quang hoạt động kém:

+ Cảm giác như bạn cần phải rặn để đi tiểu

+ Cảm giác như bạn cần phải đi tiểu lần thứ hai ngay sau khi đi vệ sinh

+  Tiểu gấp, đi tiểu thường xuyên

- Tắc nghẽn đường ra bàng quang

Đây là tình trạng xảy ra khi có tắc nghẽn ở cổ hoặc đáy bàng quang. Tắc nghẽn hoàn toàn ngăn cản hoặc làm giảm dòng nước tiểu từ bàng quang. Tình trạng này xảy ra ở cả phụ nữ và nam giới, nhưng phổ biến hơn ở nam giới lớn tuổi. Tình trạng này có thể do sỏi bàng quang, mô sẹo ở niệu đạo, ung thư bàng quang hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Ngoài gây ra dòng nước tiểu yếu, đi tiểu ra chậm, tắc nghẽn đường bàng quang còn gây ra một số triệu chứng khác như:

+ Cảm thấy bàng quang đầy nhưng không thể tiểu hết hoàn toàn

+ Đi tiểu thường xuyên trong lúc ngủ

+ Đau ở bụng dưới

+ Đi tiểu thường xuyên nhưng lượng nước tiểu ra rất ít

+ Cảm thấy đau khi đi tiểu

Loại điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây tắc nghẽn bàng quang của bạn. Ví dụ, sỏi bàng quang được điều trị khác với ung thư tuyến tiền liệt. Một số tình trạng tắc nghẽn bàng quang có thể được điều trị bằng cách:

+ Đưa một ống mỏng, mềm dẻo gọi là ống thông qua niệu đạo và vào bàng quang của bạn

+ Đưa ống thông vào bàng quang thông qua vết rạch ở bụng dưới

+ Thuốc

+ Các thủ thuật phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn

Đi vệ sinh dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu là do đâu? Có phải do bệnh thận không?- Ảnh 2.

Tắc nghẽn đường ra bàng quang có thể ngăn cản hoặc làm giảm dòng nước tiểu từ bàng quang (Ảnh: Internet)

- Rối loạn chức năng bàng quang thần kinh

Tình trạng này xảy ra khi các tình trạng thần kinh (hệ thần kinh) ảnh hưởng đến cách bàng quang của bạn hoạt động. 

Triệu chứng phổ biến nhất của bàng quang thần kinh là không thể kiểm soát việc đi tiểu. Các triệu chứng khác của bàng quang thần kinh bao gồm:

+ Dòng nước tiểu yếu hoặc nhỏ giọt

+ Đi tiểu thường xuyên (đi tiểu 8 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày).

+ Cảm giác buồn tiểu gấp (cảm giác hoặc nhu cầu phải đi tiểu ngay lập tức).

+ Đi tiểu đau, có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu

+ Són tiểu

- Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là tình trạng nhiễm trùng hệ tiết niệu của bạn. Loại nhiễm trùng này có thể liên quan đến: Niệu đạo (viêm niệu đạo). Thận (viêm bể thận). Bàng quang (viêm bàng quang).

Nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân phổ biến gây khó đi tiểu ở nữ giới. Nhiễm trùng đường tiết niệu còn có thể gây ra các triệu chứng khác như:

+ Đau ở hông, bụng, vùng chậu hoặc lưng dưới .

+ Áp lực ở phần dưới xương chậu

+ Nước tiểu đục, có mùi hôi

+ Tiểu không tự chủ

+ Đi tiểu thường xuyên

+ Đau khi đi tiểu và dòng nước tiểu chậm

+ Có máu trong nước tiểu

Các triệu chứng nghiêm trọng khác liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu có thể bao gồm: đau ở dương vật, mệt mỏi, sốt, rùng mình, buồn nôn, thay đổi về tinh thần.

Để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn có thể cần sử dụng kháng sinh kết hợp với uống nhiều nước. Bạn có thể uống nước ép nam việt quất, nước râu ngô mã đề,... để giảm các triệu chứng nhanh chóng hơn.

Đi vệ sinh dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu là do đâu? Có phải do bệnh thận không?- Ảnh 3.

Nhiễm trùng đường tiết niệu khiến bạn cảm thấy buồn tiểu nhưng tiểu ít, dòng nước tiểu chậm (Ảnh: Internet)

- Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh phổ biến ở nam giới, điều trị ở giai đoạn đầu có thể loại bỏ ung thư.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu hiếm khi gây ra triệu chứng. Những vấn đề này có thể xảy ra khi bệnh tiến triển:

+ Buồn tiểu gấp, đặc biệt là vào ban đêm

+ Dòng nước tiểu yếu, đi tiểu ra chậm

+ Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu

+ Tiểu không tự chủ

+ Đại tiện không tự chủ

+ Xuất tinh đau và rối loạn cương dương

+ Có máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu

+ Đau ở lưng dưới, hông hoặc ngực

2. Dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu khi đi vệ sinh có thể phòng ngừa được không?

Nhìn chung, không thể phòng ngừa hoàn toàn được tình trạng dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu. Tuy nhiên, để bảo vệ và phòng ngừa các bệnh về đường tiết niệu, mọi người nên:

- Uống đủ nước: Mỗi ngày bạn nên uống ít nhất 2 lít nước (bao gồm nước lọc, nước ép, nước từ thực phẩm,...)

- Không nhịn đi tiểu: Khi cảm thấy buồn tiểu bạn nên đi tiểu ngay. Cố gắng đi tiểu ít nhất một lần sau mỗi 3 đến 4 giờ. Giữ nước tiểu trong bàng quang quá lâu có thể làm yếu cơ bàng quang và khiến nhiễm trùng bàng quang dễ xảy ra hơn.

- Đi tiểu ở tư thế thoải mái: Giúp thư giãn các cơ xung quanh bàng quang, điều này sẽ giúp làm rỗng bàng quang dễ dàng hơn.

- Dành đủ thời gian để làm rỗng hoàn toàn bàng quang khi đi tiểu: Việc vội vã khi đi tiểu có thể không giúp bạn làm rỗng hoàn toàn bàng quang. Nếu nước tiểu ở trong bàng quang quá lâu, nó có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng bàng quang.

- Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh: Phụ nữ nên lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn đường ruột xâm nhập vào niệu đạo. Bước này quan trọng nhất sau khi đi đại tiện.

Đi vệ sinh dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu là do đâu? Có phải do bệnh thận không?- Ảnh 4.

Uống đủ nước giúp phòng ngừa các bệnh về đường tiết niệu (Ảnh: Internet)

- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục: Hoạt động tình dục có thể di chuyển vi khuẩn từ ruột hoặc khoang âm đạo đến lỗ niệu đạo. Cả phụ nữ và nam giới nên đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

- Mặc đồ lót cotton và quần áo rộng rãi: Mặc quần áo cotton rộng rãi sẽ giúp giữ cho vùng quanh niệu đạo khô ráo. Quần bó và đồ lót bằng nilon có thể giữ ẩm và giúp vi khuẩn phát triển.

- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về bàng quang cũng như táo bón.

- Hạn chế rượu và caffeine: Đối với nhiều người, uống rượu có thể khiến vấn đề về bàng quang trở nên tồi tệ hơn. Đồ uống có chứa caffeine (như cà phê, trà và hầu hết các loại soda) có thể ảnh hưởng đến bàng quang và làm tăng các triệu chứng như nhu cầu đi tiểu thường xuyên hoặc cấp bách.

Trên đây là những nguyên nhân gây ra tình trạng dòng nước tiểu yếu, tiểu lâu và tiểu chậm. Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng này và thường xuyên tiểu rắt, tiểu buốt, đi tiểu thường xuyên, cảm thấy đi tiểu không hết,... bạn nên đến bệnh viện kiểm tra chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn