Chị V. cho biết, chị đã đọc thông tin nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục nên chị luôn cảnh giác. Chị và chồng thường phân công nhau chở con đi học. Thế nhưng, thỉnh thoảng hai vợ chồng có việc đột xuất, không đưa đón con được, chị đành phải nhờ người xe ôm quen. Chị nghĩ, dù sao người xe ôm này cũng gần nhà chị, quen biết với vợ chồng chị nên sẽ không dám làm bậy.
Mới đây, cô con gái của chị sau khi đi học về có thái độ bất thường. Con khó chịu, vùng vằng với mẹ. Con kể, khi đang đi thì trời mưa, chú xe ôm bảo con lên phía trước ngồi để hai người che chung áo mưa khỏi ướt. Khi áo mưa đã trùm kín người, chú vòng tay quanh bụng con. Chú kéo sát con vào người chú để "giữ cháu cho chặt kẻo té". Lát sau, chú kiếm cớ sờ vào đầu gối và đùi của con để xem áo mưa có bị hở ra không. Có lúc, chú còn làm bộ không nghe rõ để kề miệng nói như thổi vào tai con... Con sợ nhưng không biết phải làm sao.
Giống như chị V., nhiều bố mẹ chủ quan và tin tưởng vào người lái xe dịch vụ mà mình quen. Họ cho rằng, những vụ xâm hại tình dục trẻ em chỉ xảy ra ở nơi nào đó xa xôi chứ không thể xảy ra với con mình. Thế nên, nếu con cần phải đi học thêm hoặc đi đâu, họ liền nghĩ ngay đến việc gọi tài xế quen cho tiện.
Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải, cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ, trong trường hợp bất khả kháng phải cho con đi xe ôm, cha mẹ cần trang bị cho con các kỹ năng để con có thể tránh bị quấy rối, xâm hại tình dục.
Trước hết, cha mẹ cần chuẩn bị cho con áo mưa loại tốt, có mũ trùm, tay cánh dơi gọn gàng, màu nóng (đỏ, vàng hoặc da cam) để người đi đường dễ nhìn thấy. Như vậy con sẽ chủ động mỗi khi mưa gió, không phải dùng chung áo mưa với ai.
Trước khi lên xe, con nên hỏi tên tài xế, biển số xe, gọi điện thông báo cho gia đình biết. Chẳng hạn: "Con đang đi xe của bác tài tên Tuấn, biển số xe là..., bác bắt đầu chở con từ đường A, khoảng nửa giờ nữa con đến nơi".
Nếu không có điện thoại, con nhờ tài xế gọi báo cho gia đình hoặc nói với lái xe: "Cháu đã báo nhà cháu là đi với chú và khoảng 30 phút nữa thì về". Nếu chưa yên tâm, con nói với người gần đó (người bán hàng, người ngồi trong cửa tiệm, tài xế xe ôm khác): "Cháu tên là A, nếu người nhà cháu đến hỏi, bác/chú/dì/anh/chị vui lòng nhắn rằng cháu đã lên xe chú B. Cháu xin cảm ơn".
Trong khi đi, con nên giữ khoảng cách an toàn với tài xế và với người đi đường. Đặt túi xách/ balô giữa con và tài xế, tránh tình huống xe thắng gấp bị áp cả người mình vào lưng họ, đồng thời đề phòng bị giật đồ.
Trong trường hợp bị quấy rối, con có thể cương quyết chấm dứt bị động chạm bằng cách nói to, rõ ràng: "Cháu không thích, chú bỏ tay ra khỏi người cháu". Nói "không" một cách dứt khoát để kẻ xấu dừng hành động quấy rối và không lấn tới. Khi đã xuống xe, nếu có điện thoại, con hãy nhắn tin, gọi điện cho ba mẹ biết tình hình của mình để nhờ can thiệp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn